Bố mẹ tôi hiện nay đang đứng tên thửa đất trồng lúa diện tích khá lớn ở quê. Tôi đang làm công chức trên Hà Nội và đang có ý định về quê sinh sống. Tôi muốn hỏi nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có cách nào để tôi được đứng tên quyền sử dụng mảnh đất này hay không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 191 Luật đất đai năm 2013 bao gồm các trường hợp sau đây:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì bạn là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Để nhận tặng cho hoặc nhận chuyển nhượng mảnh đất trồng lúa của bố mẹ bạn, bạn cần đáp ứng điều kiện tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT. Trong đó, quy định căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bao gồm:

“2. Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

a) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;

b) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;

c) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;

d) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.”

Để đáp ứng các điều kiện này có thể rất khó đối với bạn, bởi hiện nay bạn vẫn làm trong cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất của cha mẹ.

Trường hợp của bạn có 2 cách để đứng tên mảnh đất:

Một là, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác.  Theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật đất đai nêu trên thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; vì vậy, người thừa kế không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận thừa kế quyền sử dụng các loại đất nông nghiệp khác.

Hai là, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang có đề xuất đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Nếu dự thảo này được thông qua thì khi đó bạn có thể đứng tên đất mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, phương án này không chắc chắn có thể được thông qua và mang tính chất bị động.

Trên đây là giải đáp của Luật Sao Việt về vấn đề của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer