Nhà tôi có truyền thống trồng lúa từ lâu đời, nhưng mấy năm trở lại đây, sản lượng lúa thu hoạch bị giảm sút khá nhiều. Vợ chồng tôi đã tham khảo ở một số nơi thì thấy mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính đang phát triển lại cho năng suất kinh tế cao. Vì vậy tôi muốn chuyển sang trồng rau thủy canh trên đất trồng lúa. Nhờ Luật Sao Việt tư vấn giúp trường hợp này tôi có phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất không? Xin cảm ơn!

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo phân loại đất được quy định tại Điều 10 Luật đất đai 2013: đất trồng lúa là đất trồng cây hàng năm, còn đất xây dựng nhà kính để trồng rau thủy canh là đất nông nghiệp khác. Cả hai loại đất này đều thuộc nhóm đất nông nghiệp:

1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;…”

Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013 được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, khi chuyển mục đích sử dụng đất có 03 trường hợp như sau

Trường hợp 1: Phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Áp dụng khi:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Trường hợp 2: Không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động
a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép;
b) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Trường hợp 3: Không phải xin phép hay đăng ký biến động: áp dụng với các trường hợp còn lại

=> Đối chiếu với các quy định nêu trên, khi bạn thực hiện chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa (đất trồng cây hàng năm) sang canh tác rau thủy canh trong nhà kính (đất nông nghiệp khác) thì thuộc trường hợp thứ 3 – không phải xin phép hay đăng ký biến động.Tuy nhiên do đặc thù của đất trồng lúa cũng như vai trò của ngành nghề này đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bạn không nên tự ý canh tác rau thủy canh trên đất mà cần phải liên hệ/làm đơn đề xuất với chính quyền địa phương. Căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu thị trường, điều kiện tự nhiên, khí hậu…cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và phản hồi lại đề xuất của bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer