Cô hàng xóm cạnh nhà tôi có 2 con 1 trai 1 gái, con gái thì lấy chồng xa tận trong nam, còn người con trai thì phá gia chi tử, vay nợ khắp nơi về bắt mẹ trả nợ, thậm chí còn chửi mắng, đánh đập mẹ già. Cô muốn để lại tài sản cho con gái nhưng sợ con trai biết được lại gây khó dễ cho 2 mẹ con cô nên cô muốn nhờ tôi hỏi giúp, nếu không lập di chúc mà tài sản chia theo pháp luật thì con trai bất hiếu có bị mất quyền thừa kế không? Xin luật sư tư vấn giúp.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Hiện nay có hai hình thức nhận quyền thừa kế di sản cha mẹ là để lại theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật. Nếu người mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng các phần bằng nhau.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự về thì những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

“a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”

Như vậy, con cái bất hiếu với cha mẹ cũng có thể là một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản tuy nhiên phải thuộc một trong các trường hợp:

- Đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ.

- Ép cha mẹ hoặc lừa dối, ngăn cản để cha mẹ lập di chúc.

- Đã bị kết án về việc cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ cha mẹ.

- Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của cha mẹ…

Tuy nhiên cần lưu ý là các trường hợp này phải có bằng chứng chứng minh hành vi bất hiếu của con cái thì mới có thể tước quyền thừa kế của họ. Trên thực tế, việc chứng minh này không dễ dàng và khi xảy ra tranh chấp thừa kế thì không thể bảo đảm khả năng người con bất hiếu không được thừa kế.

Cách tốt nhất để chắc chắn tài sản để lại cho đúng người mà mình muốn là lập di chúc. Khi thừa kế được chia theo di chúc nghĩa là thừa kế được chia theo ý chí của cha mẹ - người có tài sản. Người lập di chúc có quyền để lại tài sản cho ai hoặc truất quyền hưởng di sản thừa kế của bất kỳ ai (theo Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Khi lập di chúc, nếu không muốn để lại tài sản của mình cho đứa con thì phải thể hiện nội dung này trong di chúc. Di chúc nên được công chứng để bảo đảm tính pháp lý, tránh tranh chấp sau này và người mẹ có thể âm thầm lập di chúc ở văn phòng công chứng, không để người con trai biết được.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer