1. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật hình sự 2015

2. Nội dung

 Về khái niệm phạm tội chưa đạt

“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội” (đoạn 1 Điều 15 Bộ luật hình sự 2015).

Căn cứ theo khái niệm nêu trên, ta có thể thấy rằng trong một vụ án hình sự, để xác định về trường hợp phạm tội chưa đạt, ta cần xem xét các yếu tố sau:

+ Về mặt khách quan của tội phạm: Đây chính là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm, diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan hoặc hành vi liền trước đó được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, khác với tội phạm hoàn thành, người phạm tội đã dừng lại khi chưa thoả mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan, khi chưa hoàn thành việc phạm tội của mình.

+ Về mặt chủ quan của tội phạm: Có thể thấy rằng nguyên nhân khiến cho việc dừng hành vi phạm tội lại khi chưa hoàn thành được tội phạm là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Về mặt ý chí, họ vẫn muốn thực hiện đến cùng các hành vi để hoàn thành tội phạm. Đây cũng là một điểm để phân biệt giữa trường hợp phạm tội chưa đạt (Điều 15) và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16).

Căn cứ vào thái độ, tâm lý của người phạm tội đối với việc chưa đạt, khoa học pháp lý thường chia phạm tội chưa đạt thành hai loại như sau: chưa đạt đã hoàn thành và chưa đạt chưa hoàn thành.

Theo đó:

- Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi).

- Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi).

- Trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt:

Từ những phân tích nêu trên, ta có thể thấy rằng, nguyên nhân khiến người phạm tội dừng lại, không hoàn thành các hành vi phạm tội của mình là xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, không phải xuất phát từ ý chí chủ quan của người phạm tội. Họ vẫn muốn thực hiện đến cùng các hành vi để đạt được kết quả, gây tổn hại và xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ. Do đó, tuy trên thực tế, phạm tội chưa đạt tuy chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành nhưng đã phần nào xâm hại trực tiếp đến khách thể hoặc trực tiếp đe doạ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do đó, pháp luật hình sự đã quy định: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Tội danh mà họ bị truy cứu trong trường hợp này chính là tội phạm mà họ dự định thực hiện nhưng chưa thể thực hiện đến cùng hành vi của mình.

- Về hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 đã quy định như sau:

“Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer