Giáo dục phạm nhân không chỉ là một trong những giải pháp tối ưu để hướng người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội mà điều đó còn đảm bảo quyền được học tập, rèn luyện của mỗi người.

Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, ngày 09/11/2020, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 133/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/12/2020, thay thế Nghị định 117/2011/NĐ-CP, Nghị định 90/2015/NĐ-CP) hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự 2019. Một trong số những  nội dung đáng chú ý được đề cập trong Nghị định này là chính sách phổ biến pháp luật, giáo dục công dân và việc sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân.

Chính sách giáo dục pháp luật, giáo dục công dân:

Các cơ sở giam giữ phạm nhân phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân theo các giai đoạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.

Sau khi biên chế về các đội (tổ), phạm nhân được phổ biến, học tập:

- Các quy định về chính sách hình sự của Việt Nam; tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, miễn chấp hành án phạt tù;

- Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng miễn dịch ở người, Luật Giáo dục nghề nghiệp,...

- Một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống.

Thời gian học tập, phổ biến bố trí một ngày trong tuần.

Bên cạnh đó, phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được phổ biến, học tập:

- Các chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn sản xuất, kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm;

- Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, các quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xóa án tích, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội;

- Một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống; tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý.

Thời gian học tập, phổ biến từ 05 đến 07 ngày trong khoảng thời gian 02 tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Phạm nhân là người dưới 18 tuổi, ngoài các nội dung chương trình học tập như trên (quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 133/2020), còn được học tập, phổ biến: Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Giáo dục... và các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lứa tuổi, giới tính.

Quy định việc sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân:

- Trích 14% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân:
+ Căn cứ mức kinh phí được trích, Giám thị trại giam quyết định bổ sung mức ăn nhưng không tăng thêm quá 1/6 lần tiêu chuẩn ăn hàng tháng/mỗi phạm nhân.
+ Đối với phạm nhân lao động làm thêm giờ, lao động ngày nghỉ được hưởng tiêu chuẩn ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường (01 tiêu chuẩn do ngân sách đảm bảo) cho mỗi phạm nhân.
- Trích 2% lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù.
- Trích 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.
- Trích 22% bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam.
-  Trích 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.

 Theo Thuvienphapluat

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer