Đóng BHXH là quyền lợi của nhân viên và cũng là trách nhiệm mà doanh nghiệp cần phải thực hiện, điều này đã được quy định cụ thể hóa tại Luật BHXH 2014. Trong đó, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, khi doanh nghiệp lý hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên với người lao động thì doanh nghiệp và cả người lao động đều phải đóng BHXH. Tuy nhiên, số tiền mà doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động không phải là nhỏ, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có đông người lao động. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã tìm cách trốn đóng BHXH cho người lao động bằng nhiều hình thức. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động được thể hiện dưới hai dạng thức: Không đóng BHXH cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ mức BHXH mà người lao động đáng lẽ được hưởng.

Các hình thức xử lý đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động được quy định cụ thể tại Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa, đóng số tiền chậm đóng, nộp phạt tiền lãi bằng 2 lần lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền và thời gian chậm đóng, ngoài ra còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

2. Xử lý hình sự:

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về Tội trốn đóng BHXH tại Điều 216 như sau:
“Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm..."

Theo quy định trên, chủ thể của tội danh này là “người có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động”, do đó không phải mọi trường hợp thì chủ doanh nghiệp là người phạm tội mà có thể là kế toán, nhân viên hành chính nhân sự,... hoặc những người được chủ doanh nghiệp ủy quyền, giao nhiệm vụ đóng BHXH cho người lao động.

Mức phạt của tội danh này sẽ phụ thuộc lớn vào số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng, vì vậy chủ doanh nghiệp và các cá nhân có nhiệm vụ đóng BHXH cho người lao động trong doanh nghiệp cần lưu ý để thực hiện đúng, tránh vướng phải vòng lao lý khi vi phạm quy định của pháp luật.

* Mức phạt đối với cá nhân:

- Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu phạm tội trốn đóng BHXH thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng BHXH từ 50 - dưới 300 triệu đồng;

+ Trốn đóng BHXH từ 10 người - dưới 50 người lao động.

- Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Phạm tội 2 lần trở lên

+ Trốn đóng BHXH từ 300 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng

+ Trốn đóng BHXH cho từ 50 đến dưới 200 người

+ Không đóng tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động

- Phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Trốn đóng BHXH từ 1 tỷ đồng

+ Trốn đóng BHXH cho 200 người trở lên

Không đóng tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
* Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

- Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng nếu trốn đóng BHXH từ 50 đến dưới 300 tiệu đồng hoặc trốn đóng từ 10 đến dưới 50 người lao động

- Phạt tiền từ 500 triệu - 01 tỷ đồng nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Phạm tội 2 lần trở lên

+ Trốn đóng BHXH từ 300 - dưới 1 tỷ đồng

+ Trốn đóng BHXH cho 50 - dưới 200 người
+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 01 tỷ đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Có thể bạn quan tâm:

1. Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP quy định về xử lý hành vi trốn đóng BHXH 

2. Trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer