(Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Hộ bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam)

Không chỉ xuất phát từ nguyên nhân Tòa án “ngại” tuyên vô tội mà còn xuất phát từ việc chính bản thân người bị oan nhiều khi cũng không dám kêu oan. Điều này nghe qua tưởng chừng rất vô lý, nhưng đấy là một thực trạng đang tồn tại mà chính quyền các cấp cần phải giải quyết để người dân lấy lại niềm tin vào công lý.

Bắt đầu từ một bản án có nhiều dấu hiệu oan sai!

Như báo Congluan.vn đã đưa tin trước đó, TAND TP. Thái Nguyên xét xử sơ thẩm vụ án Lê Xuân Hộ và đồng phạm, tuyên các bị cáo phạm tội theo khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự (BLHS).

Theo hồ sơ vụ án thì ngày 12/4/2013, Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (Cty Gia Sàng) thực hiện việc bán sắt thép phế liệu theo hợp đồng với một khách hàng. Cùng ngày hôm đó, lãnh đạo cũng đã đồng ý cho xe vào thu gom xỉ cắt phôi (rác thải công nghiệp) để cho công nhân (theo văn bản ký duyệt trước đó). Sáng 12/4/2013, lái xe ôtô BKS 20K-5768 đã vào Cty Gia Sàng để bốc xỉ cắt phôi theo văn bản đề nghị của công nhân nói trên.

Tuy nhiên, chính vì sự trùng lập này nên tại tòa các bị cáo và nhân chứng khai là đã nhầm lẫn trong quá trình giao, nhận hàng. Bởi vậy, khi xe bốc hàng xong đi ra khỏi Cty Gia Sàng thì bị cơ quan công an thu giữ (do hàng hóa trên xe là sắt thép phế liệu, không phải là xỉ cắt phôi như văn bản đề nghị) và giao trả toàn bộ hàng cho Cty Gia Sàng. Sau đó, Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, bắt tạm giam các bị cáo vì cho rằng họ đã để cho xe ôtô trên vào lấy sắt thép phế liệu trái quy định của Công ty.

“Bức cung” ngay tại phiên tòa?

Nhiều người thường nghĩ rằng việc “bức cung, nhục hình” chỉ diễn ra một cách bí mật, trong phòng hỏi cung tại giai đoạn điều tra. Nhưng trên thực tế hành vi này còn diễn ra công khai ngay tại phiên tòa bằng các hình thức khác nhau. Luật sư Nguyễn Quang Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội biện dẫn: “Điển hình như khi bị cáo thay đổi lời khai so với lời khai nhận tội trước đó của họ tại CQĐT thì Hội đồng xét xử (HĐXX) hoặc đại diện VKS sẽ công bố lời khai tại CQĐT và nhận xét rằng bị cáo đang ngoan cố và mất đi tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo (chẳng hạn việc tại tòa bị cáo Vang khai là sau này khi bị bắt thì điều tra viên mới nói là xe ô tô mà các bị cáo bốc hàng lên là xe người nhà ông Hộ, nhưng điều tra viên nói phải khai là biết đấy là xe của người nhà ông Hộ nên mới bốc hàng lên…)

Hay khi gặp trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan tại phiên tòa phúc thẩm, thì người tiến hành tố tụng thường “giáo dục” bị cáo rằng: Nếu bị cáo kêu oan thì HĐXX chỉ xem xét là bị cáo có oan hay không chứ không xem xét giảm hình phạt cho bị cáo. Cụ thể: Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên, phía đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên giữ quyền công tố đã đề nghị HĐXX chỉ áp dụng điều khoản có lợi của BLHS mới để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ; còn đối với các bị cáo kêu oan thì không được áp dụng quy định có lợi này. Theo đó, các bị cáo kháng cáo giảm nhẹ hình phạt thì được chuyển khung hình phạt từ khoản 2 điều 281 theo luật cũ (từ 5 năm đến 10 năm) xuống khoản 1 Điều 356 BLHS mới (phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm).

Cũng theo phân tích của Luật sư Nguyễn Quang Anh: “Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì BLHS mới được lùi thời hiệu thi hành trừ các quy định có lợi cho người phạm tội. Bởi vậy, việc áp dụng điều khoản có lợi của BLHS mới với hành vi của các bị cáo là bắt buộc chứ không phụ thuộc nội dung kháng cáo.

Ngoài ra, phía đại diện VKS cũng đề cập tới việc theo Điều 352 BLHS mới thì khái niệm chủ thể tội phạm về chức vụ được mở rộng ra không chỉ với người thực hiện “công vụ” mà còn gồm cả người thực hiện “nhiệm vụ” .

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ – quy định tại Điều 281 của luật cũ và được quy định tại Điều 356 của luật mới đều giới hạn hành vi của người phạm tội là đang thi hành “công vụ”. Bởi vậy, cách hiểu như trên có dấu hiệu của việc cố tình ép bị cáo vào việc có tội.

Việc VKS đưa ra vấn đề áp dụng pháp luật theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tức là vừa đưa ra điều khoản bất lợi (không hề liên quan đến hành vi phạm tội) của luật mới trong khi vẫn đề nghị xác định bị cáo phạm tội theo theo khung hình phạt nặng hơn của luật cũ rõ ràng là trái pháp luật nghiêm trọng. Đây là do quá yếu kém về nghiệp vụ hay chính là việc “bức cung” ngay tại phiên tòa để hướng các bị cáo phải nhận tội (?).

Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì BLHS mới được lùi thời hiệu thi hành trừ các quy định có lợi cho người phạm tội. Bởi vậy, việc áp dụng điều khoản có lợi của BLHS mới với hành vi của các bị cáo là bắt buộc chứ không phụ thuộc nội dung kháng cáo.

Xác định nguyên nhân người bị oan từ bỏ việc kêu oan tại tòa

Theo Luật sư Nguyễn Quang Anh: Việc “bức cung” công khai ngay tại phiên tòa bằng các hình thức như khai ra sự thật thì sẽ bị gắn cái mác không thành khẩn nhận tội và kêu oan thì không được giảm hình phạt, ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt như vụ án kể trên khi mà VKS đưa ra các biện pháp trừng phạt theo ý của cá nhân mình (không trên cơ sở pháp luật) đã đẩy người bị oan đến việc không dám kêu oan.

Đối với người ngoài nghe điều này thì không ai tin được, nhưng đối với những người đã phải nếm trải qua cảnh bị tạm giam thì rất rõ cảm giác “một ngày trong tù thiên thu tại ngoại”. Ngoài ra qua “không khí” phiên tòa, họ cũng cảm nhận được việc minh oan là một điều “viển vông”, không thực tế. Bởi vậy, họ đành “thành khẩn” nhận những tội mà họ không phạm phải, để hy vọng được giảm án năm nào hay năm đấy….

Để khắc phục hành vi ép cung như trên tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Quang Anh cho rằng:

Để các bị cáo không bị “dọa” là kháng cáo kêu oan khi mất quyền kháng cáo giảm nhẹ thì Điều 241 BLTTHS không nên quy định là: “…nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Bởi quy định như thế sẽ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, nên quy định lại (hoặc có văn bản hướng dẫn) cụ thể là: “…nếu xét thấy có căn cứ thì tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án với điều kiện không làm xấu đi tình trạng của bất cứ ai”.

Để xác định lời khai nào là thành khẩn: Căn cứ vào điều 10, điều 72 Bộ LTTHS thì các CQTHTT ko chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo làm căn cứ mà phải tìm mọi cách để xác định sự thật của vụ án, bởi vậy: Tại tòa, bị cáo “chối tội” và việc “chối tội” đó lại phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ án (trước đó, tuy bị cáo nhận tội nhưng lại không phù hợp với các tình tiết khác của vụ án). Trong trường hợp này CQTHTT phải xác định bị can, bị cáo bị oan và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là đã thành khẩn khai báo.

Thiết nghĩ, để có một môi trường xét xử khách quan, công bằng thì các cơ quan chức năng cần loại bỏ ngay hành vi bức cung tại phiên tòa. Không để cho chỉ vì một vài “con sâu” mà “làm rầu cả nồi canh”, ảnh hưởng tới cái nhìn về cả một hệ thống tư pháp nước nhà.

- Luật Sao Việt -

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer