Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Con tôi năm nay 16 tuổi, bị tuyên án sơ thẩm 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Gia đình tôi có thuê luật sư cho cháu. Sau khi phiên toà sơ thẩm kết thúc, vị Luật sư này không đồng ý với mức hình phạt, cho rằng là quá nặng nên đã tự ý làm đơn kháng cáo mà không hỏi ý kiến gia đình tôi. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp của con tôi thì Luật sư có quyền kháng cáo không? Gia đình tôi có nguyện vọng cho con đi thi hành án luôn, vì không muốn con ở nơi tạm giam (điều kiện vật chất trong đó không tốt, con tôi đang có bệnh nền) thì gia đình tôi có thể làm đơn rút lại kháng cáo được hay không? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 331 BLTTHS 2015 thì những người sau đây có quyền kháng cáo:

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.”

Như vậy, do con bạn là người dưới 18 tuổi nên Luật sư bào chữa cho con bạn có quyền kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích cho con bạn. Điều này là đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện tại gia đình bạn lại muốn con chấp hành án luôn, nếu vậy, gia đình phải trao đổi lại với Luật sư để luật sư này rút đơn kháng cáo.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự:

"Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị."

Vì vậy, nếu luật sư là người đã nộp đơn kháng cao cho con bạn thì luật sư cũng phải là người rút đơn kháng cáoTrong trường hợp này, gia đình không thể tự mình làm đơn xin rút kháng cáo được.

Việc rút đơn kháng cáo có thể thực hiện trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm. Nếu rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm thì phải lập thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm (theo quy định tại khoản 2 Điều 342 BLTTHS). 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer