Xin chào Luật Sao Việt, tôi là tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Hà, vài ngày trước có hai thanh niên bịt khẩu trang tới mua hàng của tôi và đưa 02 tờ 500.000 VNĐ, do lúc đó đông khách nên tôi đã nhận mà không kiểm tra kỹ.

Sau đó, về nhà tôi kiểm tra kỹ thì phát hiện ra 2 tờ tiền này là giả vì những đồng tiền này có đặc điểm khác thường, màu sắc nhợt nhạt, hình in nhòe, không rõ, chất lượng nilong rất mỏng.

Nghĩ tiếc công sức cả buổi chợ chẳng được đáng bao nhiêu mà giờ lại bị hao mất 1 triệu nên chồng tôi có ý dùng 2 đồng tiền này kẹp vào trong tệp tiền để trả tiền hàng hôm sau. Xin hỏi Luật Sao Việt, nếu chẳng may bị phát hiện thì hành vi tiêu tiền giả của chồng tôi có bị xử lý không? Liệu có cách nào để phân biệt tiền giả không?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN:

1. Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành”.

Để kiểm tra, phân biệt tiền thật, giả, người dân có thể tham khảo thông tin được công bố từ phía cơ quan công an về đặc điểm của tiền giả 500.000 VNĐ như sau:

Tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri UF, DQ); 200.000 đồng (seri QH, KD) có đặc điểm nhận biết hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối.

Các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nilon khu vực cửa sổ, phủ lớp nilon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nilon mỏng ở mặt trước tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang

Loại tiền giả polymer không được làm từ polymer nên không đàn hồi. Các hình bóng chim không tinh xảo. Ở tờ tiền thật, hình ảnh Bác Hồ cũng như hình chùa Một Cột được in sáng trắng, rõ nét, khắc họa chi tiết.

Bên cạnh đó, dây bảo hiểm trên tiền thật còn có cụm số mệnh giá và chữ "NHNNVN" hoặc "VND", trong khi tiền giả không rõ ràng hoặc không có yếu tố này. Ngoài ra, người dân có thể ngửi thử tờ tiền vì polymer thật có mùi thơm đặc trưng, dễ nhận biết, còn tiền giả có mùi nhựa hoặc mùi nhựa ni lông nồng.

Một cách nhận biết khác là nghiêng tờ tiền, ở tiền thật mực sẽ đổi màu chuyển từ vàng sang xanh lá cây hoặc ngược lại, trong khi tiền giả không đổi màu hoặc đổi màu nhưng không đúng màu như polymer thật”.

=>> Với trường hợp của bạn, do bất cẩn nên bạn bị khách hàng trả tiền hàng bằng 02 tờ tiền Việt Nam đồng mệnh giá 500.000 VNĐ với các đặc điểm như màu sắc nhợt nhạt, hình in mờ, nhòe, chất lượng nilong in tiền rất mỏng. Có thể thấy, 2 tờ 500.000 VNĐ bạn nhận được có khả năng rất cao là tiền giả, không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Trường hợp sau khi biết hoặc có căn cứ để biết 2 đồng tiền nêu trên là giả, vợ chồng bạn lại có ý định sử dụng hai đồng tiền giả này để chi tiêu, trả tiền hàng. Khi đó, hành vi của vợ chồng bạn được xem là hành vi lưu hành tiền giả, và sẽ bị xử lý theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

 “Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Lưu hành 1 triệu đồng tiền giả, bạn sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 207 với mức hình phạt là: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra, bạn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung tại khoản 5 của điều luật là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên nếu vợ chồng bạn không biết 2 tờ tiền nêu trên là tiền giả thì sẽ không bị xử lý. Với trường hợp của bạn, chúng tôi khuyên vợ chồng Bạn nên kiểm tra, đối chiếu thật kỹ để xác định 2 đồng tiền đó là thật hay giả. Nếu 2 tờ tiền có các đặc điểm của tiền giả thì nên mang tiền giả/ có nghi vấn tiền giả tới Công an phường, xã giao nộp và trình báo về sự việc. Đồng thời, bạn cũng nên báo với Ban quản lý Chợ Ngọc Hà để họ cảnh báo các tiểu thương nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn trà trộn tiền giả lưu hành trên thị trường.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Trân trọng mến chào./.

Bài viết liên quan: Lên mạng mua tiền giả, mang đi tiêu thụ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer