Câu hỏi: Vợ chồng tôi dành dụm được khoảng 400 triệu nên đã mua một chiếc xe ô tô con để chồng tôi chạy taxi. Thời gian sau đó bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc chạy xe của chồng tôi không ổn định, nên tôi và chồng bàn nhau thế chấp chiếc xe tại ngân hàng vay vốn 80 triệu để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thời hạn vay đến cuối năm sau, các giấy tờ gốc của xe đều do ngân hàng giữ.

Tuy nhiên, tuần trước tôi nhận được thông tin chồng tôi lái xe ô tô đó cùng 2 người khác đi ăn trộm gỗ keo nguyên liệu ở Đak Lak, bị Công an phát hiện và thu giữ xe ô tô vì xe ô tô được xác định là phương tiện trộm cắp tài sản.

Vậy xin hỏi chiếc xe ô tô của vợ chồng tôi liệu có bị tịch thu không hay sẽ trả lại cho tôi để tôi thực hiện nghĩa vụ trả nợ thế chấp tại ngân hàng?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ quy định Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định vật chứng như sau: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội".

Chồng bạn sử dụng chiếc xe ô tô là tài sản chung vợ chồng đang thế chấp tại ngân hàng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nên chiếc xe ô tô sẽ được coi là công cụ phương tiện phạm tội. 

Vì vậy, hướng xử lý đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong 2 trường hợp như sau:

 (1) Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản của người phạm tội đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng;

Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”.

Và quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP nêu trên thì “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”.

Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định Điều 47 BLHS năm 2015, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tức là bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy.

Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự.

(2) Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng

Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.

Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

=>> Đối chiếu với trường hợp của bạn, xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng bạn, vợ chồng bạn đã dùng xe ô tô thế chấp tại Ngân hàng để vay số tiền là 80.000.000 đồng. Do đó, khi xe ô tô được xác định là phương tiện phạm tội, tùy theo việc bạn có biết chồng bạn dùng xe ô tô trộm gỗ hay không sẽ có 2 trường hợp:

TH1: Bạn biết việc chồng dùng xe ô tô phạm tội => Tịch thu toàn bộ chiếc xe

TH2: Bạn không biết việc chồng dùng xe ô tô phạm tội => Tịch thu 1/2 giá trị chiếc xe sung công quỹ, ½ giá trị chiếc xe sẽ được trả lại cho bạn

Về phía ngân hàng, khi xe ô tô bị tịch thu được xem như không còn tài sản bảo đảm, dẫn đến Hợp đồng thế chấp đến hạn. Để bảo vệ quyền lợi, đại diện ngân hàng, tổ chức tín dụng tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu vợ chồng bạn hoàn trả số tiền vay, tiền lãi trong thời gian vay (nếu chưa trả). Về phía chiếc xe, ½ số tiền tương ứng với giá trị chiếc xe sẽ được trả cho bạn nếu bạn không biết việc chồng dùng xe ô tô phạm tội, ½ số tiền sẽ tịch thu sung công quỹ.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer