Chồng tôi trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông, người đâm vào chồng tôi chết tại chỗ còn chồng tôi sau đó qua đời trong bệnh viện. Công an xác định chồng tôi không vi phạm, lỗi hoàn toàn do người kia lái xe khi say rượu, đi ngược chiều và đâm vào chồng tôi. Con gái tôi bây giờ mới được 2 tháng tuổi, tôi chưa đi làm nên không có khả năng nuôi con; vậy gia đình người gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường và cấp dưỡng nuôi con tôi đến khi cháu đủ 18 tuổi không, nếu được thì tôi có thể yêu cầu cấp dưỡng 1 lần không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

1. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong đó có khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, khoản 1 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Trách nhiệm bồi thường cũng được quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Trong đó, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trong trường hợp của bạn, người đâm vào chồng bạn có lỗi trong việc gây tai nạn dẫn đến chết người thì phải bồi thường thiệt hại, trong đó có khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu người gây tai nạn trên 18 tuổi thì phải có trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của mình. Tuy nhiên, như bạn trình bày thì người gây tai nạn đã chết nên nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định tại  Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Mặt khác, Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

5. Tiền công lao động;

6. Tiền bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, trong trường hợp người gây tai nạn đã chết và có để lại di sản thì sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động thì những người hưởng thừa kế của họ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn trong đó bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng cho con của bạn trong phạm vi di sản đã để lại. Trường hợp sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động mà không còn bất kì di sản nào để thanh toán thì bạn không thể yêu cầu những người hưởng thừa kế (gia đình của người gây tai nạn) thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại trong đó có khoản tiền cấp dưỡng cho con của bạn.

Về việc cấp dưỡng một lần, Khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy,bạn và những người thừa kế của người gây tai nạn có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại, trong đó bao gồm mức cấp dưỡng cho con của bạn.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer