Công ty cho tôi hỏi: hàng xóm của tôi (tạm gọi là T) có buôn bán hàng ăn cho người dân quanh khu vực, tôi ở gần và để ý thấy đồ ăn mà gia đình T bán cho mọi người được chế biến rất mất vệ sinh, bẩn, trong đó nhiều nguyên liệu còn không rõ nguồn gốc. Luật sư cho tôi hỏi nếu bây giờ tôi tố giác về hành vi của gia đình chị T cho cơ quan chức năng thì nhà chị T sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Vov2.vov.vn

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

- Ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán, cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn:

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa với cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức (trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm hoặc phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng đối với tuỳ từng hành vi. Đặc biệt, trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất (chưa đến mức truy cứu TNHS) theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tiền được nâng lên từ 5- 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu huỷ nguyên liệu, thực phẩm vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tuỳ theo mức độ và hành vi vi phạm cụ thể được quy định tại Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP

- Ở mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Nếu vi phạm nghiêm trọng, phù hợp với các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hàng xóm của bạn có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo  Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm chết người;

c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

Như vậy với hành vi của gia đình chị T thì bạn hoàn toàn có thể tố cáo về việc buôn bán sử dụng thực phẩm bẩn với cơ quan chức năng để cơ quan chức năng đến kiểm tra cơ sở và làm rõ nguồn gốc thực thẩm nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ việc chế biến, buôn bán thức ăn mất vệ sinh như hàng xóm nhà bạn thường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính rất nhẹ, mức phạt chưa đủ lớn để có thể răn đe những đối tượng này. Vì vậy, bạn có thể tố cáo nhiều lần thông qua đường dây nóng 04.32321556 hoặc địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn của cục An toàn thực phẩm; sau khi có quyết định xử phạt mà cơ sở đó còn tiếp tục vi phạm thì bạn có thể viết đơn tố cáo trực tiếp lên cơ quan công an.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer