Bố tôi mất vào đầu năm 2018 có để lại nhà đất mà không để lại di chúc, tôi là con riêng của ông, mãi đến năm 2015 tôi có tìm hiểu và được biết về ông và gia đình hiện tại của ông, nhưng tôi không liên hệ vì nhiều lí do cá nhân. Bố tôi và người vợ hiện tại không có con, hiện tôi muốn nhận tài sản của ông để lo hương khói thì tôi phải làm như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật Sao Việt tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Con đẻ ở đây bao gồm con trong giá thú (con đẻ trong quan hệ hôn nhân) và con ngoài giá thú (con đẻ không phải trong quan hệ hôn nhân của vợ chồng). Do đó, để được quyền hưởng di sản thừa kế của người bố, bạn phải chứng minh giữa bạn và người bố đã mất đó có quan hệ cha, con với nhau.

Căn cứ Khoản 1 Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.”. Theo đó, để xác định cha con, bạn có thể thực hiện bằng hai cách sau:

Cách thứ nhấtđăng ký nhận cha, con tại UBND xã/ phường có thẩm quyền.

Để chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng”.

Sau khi xác định được cha, con thì bạn có thể đề nghị tiến hành việc yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của bố mình để lại theo thủ tục chia thừa kế theo pháp luật quy định trong Bộ luật dân sự 2015 hoặc Tố tụng dân sự (nếu có tranh chấp).

Cách thứ hai: Yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xác định cha cho con hoặc khởi kiện nếu có tranh chấp với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc nhận cha, con.

Đối với yêu cầu Tòa án giải quyết bạn cũng phải chứng minh bằng các căn cứ như đã nêu ở cách thứ nhất. Trường hợp không có căn cứ về hình ảnh, video, chứng cứ khác có tính thuyết phục cao thì bạn có thể tiến hành việc giám định AND. Do bố bạn đã chết nên việc giám định sẽ phải tiến hành với những người có mối quan hệ huyết thống khác như: ông – cháu, bà – cháu, anh – em, chị - em,...

Sau khi hoàn tất thủ tục nhận cha, người con ngoài giá thú, việc chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật thừa kế. 

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer