Tôi cho người quen vay 600 triệu từ năm 2018, có viết giấy vay đầy đủ nhưng trong giấy vay không quy định thời gian trả nợ và không có lãi suất. Tuy nhiên hai bên thỏa thuận miệng sẽ tính lãi theo lãi ngân hàng. Bên vay cũng trả lãi đầy đủ trong 2 năm đầu theo lãi suất ngân hàng là 16, 17%/năm. Nhưng từ 2021 đến nay, bên vay đều không trả đúng hạn. Tôi yêu cầu trả lãi theo lãi suất ngân hàng từng năm, nhưng bên vay chỉ muốn trả theo mức lãi cố định năm đầu tiên, sau đó còn không thèm trả. Nay tôi muốn đòi lại toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi, vậy theo pháp luật thì việc yêu cầu trả lãi của tôi có đúng ko và tôi có thể yêu cầu trả ngay khoản nợ này khi hợp đồng không quy định thời gian trả nợ không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Cũng theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Vì vậy, đối với thỏa thuận cho vay tài sản trong đó có bao gồm thỏa thuận miệng về việc trả lãi thì thỏa thuận này vẫn có giá trị pháp lý và hai bên đều bị ràng buộc về nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi có tranh chấp và kiện tụng ở Tòa án thì bạn có nghĩa vụ phải chứng minh có thỏa thuận đó giữa các bên khi vay tiền.

Chứng cứ chứng minh có thể là bản ghi âm, tin nhắn, sao kê ngân hàng những lần trả lãi vay trước đó,....

- Về thỏa thuận mức lãi vay bằng lãi suất ngân hàng:

Căn cứ Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về lãi suất như sau:

“Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Trường hợp của bạn, do lãi suất hai bên thỏa thuận bằng miệng không được thể hiện trong giấy vay tiền, nên bạn có nghĩa vụ chứng minh với Tòa án về việc thỏa thuận lãi suất giữa hai bên. Bạn có thể chứng minh bằng việc đưa ra bằng chứng các khoản tiền lãi mà bên vay đã trả trong 2 năm trước đó để chứng minh bên vay đồng ý, chấp thuận mức lãi biến động theo lãi suất ngân hàng các năm, thay vì trả theo lãi cố định năm đầu tiên. 

Nếu không chứng minh được thì mức lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (20%/năm) tức 10%/năm.

Ngoài khoản lãi phải trả theo thỏa thuận, nếu bên vay trễ hạn không trả nợ thì bên cho vay còn có quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả, lãi trên nợ gốc theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

- Về việc đòi nợ khi hợp đồng cho vay không quy định thời hạn trả nợ:

Căn cứ Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn

1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”

Theo quy định trên, nếu thỏa thuận vay không quy định thời hạn phải trả nợ thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả nợ bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một khoảng thời gian hợp lý. Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại ngay cả khoản nợ gốc và lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận, chỉ cần thông báo trước một thời gian để bên vay chuẩn bị. Trường hợp, hết thời hạn đã thông báo mà người vay không trả cho bạn thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay.

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer