Câu hỏi:

Gia đình tôi có sử dụng một thửa đất ao diện tích 288 m2 do các cụ để lại từ trước năm 1960, khoảng năm 1990 – 1991 tôi có tiến hành san lấp thửa đất ao đó để trồng cây ăn quả và trồng rau, việc sử dụng đất không có giấy tờ, UBND xã và huyện cũng không còn lưu trữ được hồ sơ địa chính mà chỉ có tấm bản đồ năm 1986 và 1993 – 1994 thể hiện đó là diện tích ao hơn 5.000 m2.  Hiện nay, thửa đất đó có nhiều gia đình đã san lấp và sử dụng làm vườn, xây dựng nhà ở. Cho đến tháng 7/2017 UBND thành phố H có ban hành Quyết định thu hồi đất số 2115/QĐ-UBND đối với 7.311 m2 của cả xã tôi, trong đó có 3.312 m2 ở xóm tôi, nhưng tôi không thấy quyết định đó xác định hồi đất nhà tôi hay bất kì hộ gia đình nào khác cũng sử dụng đất như gia đình tôi. Trong quyết định đó có nêu rõ đó là quyết định thu hồi tổng thể làm căn cứ để UBND huyện có trách nhiệm quyết định thu hồi từng thửa đất do hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi UBND huyện thì họ căn cứ vào Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội để thu hồi và không cần phải ban hành quyết định thu hồi đất đối với gia đình tôi vì họ cho rằng đó là đất công do UBND xã quản lý. Luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi muốn khởi kiện Quyết định thu hồi đất số 2115/QĐ-UBND của UBND thành phố H có được không?

Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

- Luật đất đai 2013;

- Luật tố tụng hành chính 2015;

- Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai;

- Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;

- Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về Bản đồ địa chính.

Nội dung:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

 “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”

Đối với thửa đất gia đình anh/ chị sử dụng không có giấy tờ, UBND xã và UBND huyện cũng không có hồ sơ địa chính theo quy định tại Điều 9 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất bao gồm:

Tờ trình kèm theo dự thảo thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bản vẽ vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thu hồi để thực hiện dự án (đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện);

- Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án.

Do vậy, việc Trích lục bản đồ địa chính thực hiện đối với các thửa đất trên bản đồ địa chính đang được sử dụng để quản lý đất đai không có biến động về diện tích, hình thể, ranh giới và loại đất so với thực địa hoặc không có sai sót trong việc thành lập bản đồ địa chính. Trong trường hợp này chỉ thực hiện trích lục bản đồ địa chính, không thực hiện trích đo. Trích đo địa chính được áp dụng đối với thửa đất/ các thửa đất trong phạm vi khu đất giao, cho thuê có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính hoặc có biến động về loại đất, hình thể, ranh giới thửa đất giữa thực địa so với bản đồ địa chính đang sử dụng để quản lý đất đai.

Ở đây, UBND huyện và xã không còn lưu giữ được tài liệu gì ngoài bản đồ đo vẽ năm 1986 và 1993 -1994 thể hiện là hơn 5.000 m ao có nhiều hộ đã san lấp và sử dụng. Điều này cho thấy có biến động về loại đất, hình thể, ranh giới nên khi lập hồ sơ thu hồi đất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải trích đo địa chính để thực hiện dự án.

Như vậy, khi trích đo địa chính, anh/ chị được xác định là người sử dụng đất theo hiện trạng thực tế thửa đất đã có biến động. Căn cứ Điểm a khoản 1 Điều 69 Luật đất đai quy định:

UBND cấp có thẩm quyền thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”;

Đối với Quyết định 2115/QĐ-UBND thành phố H là quyết định tổng thể, không xác định ranh giới theo trích đo địa chính mà tiến hành thu hồi đất căn cứ vào hồ sơ là trích lục bản đồ đối với từng thửa đất trong đó có gia đình anh/ chị. UBND thành phố đã giao cho UBND huyện Quyết định thu hồi từng thửa đất do hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng. Việc UBND huyện không ban hành Quyết định/ thông báo thu hồi tới gia đình anh/ chị là vi phạm quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Vậy quyết định 2115 thu hồi tổng thể chưa phải là quyết định áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể nên không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính phải là Quyết định thu hồi đất của UBND huyện đối với thửa đất mà gia đình anh/ chị đang quản lý sử dụng.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer