Câu hỏi . 

Tôi làm việc ở công ty cũ từ tháng 10/2015, đến tháng 02/2016 tôi mới được đóng bảo hiểm xã hội. Tháng 3/2017 tôi nghỉ việc đúng quy định của pháp luật và đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu chốt sổ bảo hiểm thì phía công ty yêu cầu tôi đặt cọc 10 triệu đồng đến khi chốt xong sổ bảo hiểm thì sẽ trả lại sổ bảo hiểm và tiền tôi đã nộp nhưng cho đến nay là tháng 5/2018 tôi vẫn chưa lấy được sổ bảo hiểm và tiền tôi đặt cọc. Luật sư cho tôi hỏi Công ty làm vậy là đúng hay sai, nếu sai thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời

  1. Cơ sở pháp lý
  • Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn;
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn;
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng.
  1. Nội dung tư vấn

Qua thông tin bạn cung cấp, việc bạn nghỉ việc thì Công ty cũ của bạn phải có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm và trả sổ bảo hiểm cho người lao động căn cứ các quy định sau:

- Thứ nhất, về trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội

Căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có nghĩa vụ: Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Đồng thời, căn cứ theo khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là:“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.

- Thứ hai, về việc không chốt sổ bảo hiểm để trả người lao động

Công ty đó đã có dấu hiệu vi phạm khoản 6 Điều 17 Luật BHXH 2014 quy định hành vi bị cấm đó là: Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động

Ngoài ra, việc công ty yêu cầu bạn đặt cọc 10 triệu đồng mới chốt sổ bảo hiểm là vi phạm khoản 2 Điều 20 BLLĐ 2012 về Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động

Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.

Căn cứ Điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứ hợp đồng lao động thì sẽ bị người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền khi có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật lao động.

Trên đây là nội dung chúng tôi tư vấn cho bạn, trong trường hợp bạn chấm dứt Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật mà công ty cũ của bạn có những hành vi vi phạm quy định pháp luật lao động, bảo hiểm bạn có thể khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật BHXH 2014. Trường hợp bạn khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu bạn có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer