Hỏi: Ông Dương Đình Đắc hỏi : em tôi là Dương Đình Phúc năm 2009 có cho gia đình nhà ông Đinh Văn Quý thuê một ngôi nhà. Đến năm 2012 hết hạn hợp đồng em tôi đòi lại nhà nhưng ông Quý không trả lại nhà cho em tôi, nên em tôi phải làm đơn nhờ Toà án can thiệp. Trong khi Toà án đang thụ lý hồ sơ thì em tôi phải đi công tác tại Ba Lan dài hạn nên Toà án đã đình chỉ giải quyết vụ án vì nguyên đơn không tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, em tôi không nhận được thông tin gì về việc tham dự xét xử tại tòa, tôi cũng không thấy có thông báo/giấy triệu tập gì gửi về gia đình. Vậy xin hỏi, việc tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự dựa vào những căn cứ nào? Nếu tôi là người đại diện theo uỷ quyền của em tôi thì có được tham gia tố tụng không? Trong trường hợp không đồng ý với quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án, tôi cần làm gì?
Đáp: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn Công ty Luật TNHH Sao Việt xin trả lời như sau:
  • Thứ nhất, căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án
Tòa án chỉ được ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự khi có căn cứ. Tại Điều 189, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:
“Điều 189. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
2. Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
3. Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế.
4. Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước khi mới giải quyết được vụ án.
5. Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết.
6. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
 
“Điều 192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
đ) Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án;
e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng;
g) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
h) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
i) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 168 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
k) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu”.
  • Thứ hai, ủy quyền tham gia tố tụng
Bạn có thể tham gia tố tụng với vai trò người đại diện theo uỷ quyền mà không cần sự có mặt của bạn nếu em trai bạn có làm ủy quyền cho bạn và văn bản ủy quyền này đã được công chứng hợp lệ tại Văn phòng công chứng/phòng công chứng.
  • Thứ ba, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án

Căn cứ vào các thông tin bạn cung cấp thì rõ ràng quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án là thiếu căn cứ, trái luật.
Tòa án đã không thực hiện trách nhiệm tống đạt giấy tờ tài liệu cần thiết cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật. Như vậy, lý do gì, căn cứ vào đâu nói rằng nguyên đơn vẫn vắng mặt tại tòa sau khi đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai?.
Do đó, trong trường hợp này, bạn hoặc em bạn hoàn toàn có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.

Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer