Nhà tôi có thi công làm căn nhà tại mảnh đất của ông bà để lại và trong lúc đào móng làm nhà thì phát hiện ra vài món đồ cổ. Gia đình có tham khảo giá trị của những món đồ cổ đó thì giá trị là khá lớn và có ý muốn bán đi vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong trường hợp này gia đình tôi có được bán và hưởng số tiền bán những món đồ cổ đó không vì được chôn thuộc đất của ông bà sở hữu?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành và những văn bản pháp luật có liên quan thì việc tìm thấy cổ vật và tự ý tiêu thụ là sai với quy định.

Cổ vật được quy định là thuộc quyền sở hữu toàn dân và việc tìm thấy cổ vật bị chôn vùi dù là trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình bạn thì những món đồ cổ đó cũng không thuộc quyền sở hữu của gia đình,

Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP:

Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân

2. Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm:

a) Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ).

b) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên).

c) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm).

Bên cạnh đó, quy định về xác lập quyền sở hữu đối với những món đồ cổ mà gia đình bạn tìm thấy trong quá trình thi công xây dựng công trình nhà ở được quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.”

Theo đó, trong trường hợp của gia đình bạn khi tìm thấy cổ vật cần giao nộp lại cho cơ quan chức năng, cụ thể ở đây bạn có thể giao nộp lại cho UBND nơi bạn cư trú và hoàn toàn không được tự ý tiêu thụ số đồ cổ đó.

Sau khi giao nộp số đồ cổ mà gia đình phát hiện, gia đình bạn sẽ được hưởng mức khen thưởng xứng đáng, đó mới là khoản tiền mà gia đình được hưởng chứ không phải khoản tiền hưởng lợi từ việc tự ý bán số đồ cổ đó nếu bị phát hiện có thể bạn sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi tự ý tiêu thụ cổ vật.

Đối với việc khen  thưởng và mức thưởng được hưởng khi giao nộp số đồ cổ:

 Căn cứ Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 quy định các trường hợp được nhận thưởng như sau:

  • Ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia;
  • Phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.

      Mức tiền thưởng đối với các trường hợp nêu trên căn cứ vào phần giá trị của tài sản. Nếu tài sản có giá trị đến 10 triệu đồng, mức thưởng là 30%; từ 10 – 100 triệu đồng, mức thưởng là 15%; từ 100 triệu – 01 tỷ đồng, mức thưởng là 7%; từ 1 – 10 tỷ đồng, mức thưởng là 1% và từ 10 tỷ đồng trở lên, mức thưởng là 0,5%.

      Đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà không phải là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, không phải là tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia có giá trị tài sản lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở, sau khi trừ chi phí bảo quản thì tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bạn khi phát hiện ra số đồ cổ trên cần giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cụ thể ở đây là phía UBND nơi bạn cư trú để được hưởng mức khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật và mức khen thưởng tương xứng với giá trị của số cổ vật đó.

 

 



Từ Khóa , ,
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer