Cô ruột của tôi từng lấy chồng nhưng không có con, chồng cô đi lính và hi sinh nên từ đó cô cũng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi tôi như con của mình. Tôi có đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng từ bé đã ở với cô và được cô chăm lo. Đến khi cô già yếu, bệnh tật cũng là tôi và vợ cùng nhau chăm sóc, coi cô như mẹ của mình. Khi cô mất có nói để lại ngôi nhà và tài sản đã tích lũy cho tôi, để sau này tôi thờ cúng. Thế nhưng đây cũng chỉ là lời nói chứ thời điểm đó tôi không suy nghĩ đến việc nhờ cô lập di chúc. Khi cô mất, 2 bác (là anh em ruột của cô, cũng là anh của bố tôi) lại đòi chia tài sản là căn nhà cô để lại và cũng là nơi vợ chồng tôi đang sống. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, tôi có thể giữ lại tài sản mà cô đã cho tôi thừa kế không?

Trả lời: 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Trường hợp cô của bạn mất không để lại di chúc (di chúc miệng không được công nhận) thì di sản do cô để lại sẽ được chia theo pháp luật. 

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Theo quy định nêu trên, cô bạn không có con cái và chồng cũng đã mất (cha mẹ có thể cũng không còn) thì hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản chia theo pháp luật. Cụ thể là những người anh/chị/em ruột của cô sẽ được hưởng thừa kế(hàng thừa kế thứ 2). Bạn là cháu ruột thì chỉ thuộc hàng thứ kế thứ ba nên chỉ khi nào hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai không còn ai thì bạn mới được chia.

Trường hợp này rất tiếc cho bạn, tuy nhiên nếu có thể thỏa thuận lại với những người bác này trên phương diện tình cảm là tốt nhất, nếu đưa ra pháp luật thì lợi thế của bạn không có.

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer