Tôi là con nuôi của ba mẹ, được nhận nuôi từ năm 2004, lúc đó tôi 4 tuổi nhưng khi nhận chỉ là làm tiệc thông báo gia đình họ hàng, nhận mộ tổ tiên chứ không đến UBND xã làm thủ tục. Trên giấy tờ tôi vẫn có mẹ đẻ nhưng giờ không còn biết mẹ là ai, ở đâu. Nay bố nuôi của tôi gặp tai nạn không may qua đời, tôi muốn hỏi tôi có được hưởng thừa kế của bố tôi không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Việc nhận con nuôi nhưng không đăng ký trên thực tế diễn ra rất nhiều, tuy nhiên, pháp luật quy định mối quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi chỉ được công nhận khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi được pháp luật ghi nhận thì quyền và nghĩa vụ giữa 2 đối tượng này mới phát sinh. Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định:

 “1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại điều này, bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền.”

Đồng thời Điều 23 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng quy định về đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Như vậy, trường hợp của bạn, việc nhận nuôi đã được thực hiện từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên việc nhận nuôi không được pháp luật công nhận. Về mặt pháp luật, bạn và bố mẹ nuôi không có mối quan hệ gì mặc dù trên thực tế bạn được nhận làm con nuôi của bố mẹ từ lâu.  Chỉ khi đã được pháp luật công nhận việc nuôi con nuôi thì hai bên trong quan hệ nuôi mới phát sinh các quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền thừa kế di sản của nhau.

Chính vì vậy, bạn sẽ không được nhận thừa kế theo pháp luật vì không thuộc hàng thừa kế di sản của bố mẹ nuôi. Hiện nay pháp luật quy định về người thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…”

Tuy nhiên, nếu bố bạn có để lại di chúc cho bạn hưởng tài sản thì dù việc nhận nuôi không được pháp luật công nhận nhưng bạn vẫn sẽ được hưởng theo di chúc.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer