Tôi có một vấn đề muốn nhờ Luật sư tư vấn: Bố mẹ tôi mất đã 5 năm, trước khi mất bố mẹ có di chúc cho anh trai quản lý căn nhà bao gồm cả nhà thờ, yêu cầu tất cả các đời sau không được bán. Anh tôi sau này đã sang tên và đứng tên quyền sử dụng đất. Nay anh lại muốn bán căn nhà và nói sẽ mua đất khác để lập nhà thờ. Tôi và các em đều không đồng ý, nhưng bây giờ đất đã đứng tên anh, chúng tôi khó mà ngăn cản. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này đất đã có di chúc không cho phép bán, chỉ dùng để thờ cúng, nhưng anh tôi lại đứng tên QSDĐ thì chúng tôi có quyền yêu cầu cấm bán được không? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Thực ra người dân chưa hiểu và phân biệt rõ hai khái niệm: Để lại di sản thờ cúngĐể lại thừa kế cho con/cháu với điều kiện phải thờ cúng và không được sang nhượng mảnh đất. Nhiều người cho rằng việc quy định nội dung di chúc như trên không có gì khác biệt nhưng thực tế 2 vấn đề này hoàn toàn khác nhau và có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau. 

Trường hợp 1: ĐỐi với di sản được xác định trong di chúc là di sản thờ cúng

Trong di chúc nói rõ ràng mảnh đất bao gồm nhà thờ là di sản thờ cúng và anh trai bạn được quyền quản lý căn nhà thì tài sản này không được phép chia thừa kế. 

Căn cứ khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

“Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”

Đồng thời cũng tại Khoản này đã nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của những người quản lý tài sản thờ cúng:

- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;

- Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, gia đình bạn thuộc trường hợp này thì anh bạn chỉ có quyền quản lý chứ không được có quyền thừa kế và đứng tên sở hữu, vì vậy anh bạn cũng không có quyền bán căn nhà.
Nếu anh bạn không thực hiện đúng yêu cầu trong di chúc thì những người thừa kế khác có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Khi đó, những người anh em còn lại có thể cùng họp mặt để chỉ định người quản lý (cần lập thành văn bản rõ ràng).

Trường hợp 2: Di chúc không nói rõ di sản được để lại là di sản thờ cúng mà chỉ nêu việc anh bạn được thừa kế mảnh đất với điều kiện phải thờ cúng và không được sang nhượng.

Trường hợp này, anh bạn được phép nhận thừa kế mảnh đất và được đứng tên quyền sử dụng đất. Về mặt pháp lý, anh bạn là người có quyền sử dụng đất và có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất bao gồm cả quyền mua bán, sang nhượng. Đối với đất được thừa kế có điều kiện, trong sổ đỏ được cấp cũng không đính kèm thông tin về điều kiện không được phép chuyển nhượng do đó không có một căn cứ nào cản trở được việc anh bạn muốn bán căn nhà.

Đây là trường hợp rất hay xảy ra trong cuộc sống và chúng tôi có cơ sở nghi ngờ di chúc của cha mẹ bạn thuộc trường hợp này, do anh bạn hiện nay đã thực sự đứng tên QSDĐ.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi pháp lý về việc di chúc thể hiện nguyện vọng cấm bán thì có cơ sở ngăn cản việc người thừa kế thực hiện các quyền của người sử dụng đất (bao gồm quyền sang nhượng) hay không. Nhưng trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để  từ chối thực hiện các thủ tục liên quan như chuyển nhượng, tặng cho mảnh đất đó trong tương lai.

Nếu ở trường hợp này, anh bạn có thể bán nhà dù cho việc đó trái với nguyện vọng của cha mẹ. Các anh chị em còn lại cũng khó ngăn chặn được việc này do đây không phải là tài sản của họ, họ không có quyền ngăn cản người anh thực hiện các quyền của mình.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer