Bố tôi trước khi qua đời đã nhờ người viết một bản di chúc chia tài sản cho các con. Trong đó tôi là con trưởng phải gánh vác nhiều trách nhiệm nên được bố ưu ái cho mảnh đất và căn nhà mà lúc sinh thời bố tôi vẫn ở. Còn các cô chú còn lại thì chỉ được nhận mấy sào ruộng. Trong di chúc bố tôi cũng đã tự ký tên, điểm chỉ ngón tay cái của mình, đồng thời có chữ ký xác nhận của 2 bác hàng xóm. Tuy nhiên các em tôi không đồng ý với cách chia của bố và cho rằng di chúc này không hợp pháp, đòi tôi phải trả thêm cho các cô chú ấy một khoản tiền thì mới để yên cho tôi sang tên sổ đỏ. Tôi rất bức xúc về điều này. Vậy xin hỏi tôi phải làm thế nào để chứng minh di chúc của bố tôi để lại là hợp pháp, để các cô chú ấy chấp nhận thực hiện theo di chúc của bố tôi?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Thứ nhất, di chúc viết tay không công chứng, chứng thực được xem là hợp pháp khi nào?

Di chúc thể hiện mong muốn của cá nhân về việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, di chúc có thể được lập thành văn bản nhưng cũng có thể chỉ là lời nói. Tuy nhiên dù ở hình thức nào thì di chúc cũng cần tuân thủ một số điều kiện nhất định để được pháp luật công nhận là di chúc hợp pháp.

Đối với di chúc viết tay, ngoài các điều kiện chung về người lập di chúc, di sản để lại, người nhận di sản như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức; Di sản nêu trong di chúc phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Người được hưởng thừa kế không thuộc các đối tượng không được hưởng thừa kế..v.v.. thì cần đáp ứng thêm một số điều kiện khác để di chúc có hiệu lực.

Tùy theo chủ thể viết di chúc là người có tài sản trực tiếp viết hoặc người được nhờ viết di chúc sẽ có 3 trường hợp gồm:

Trường hợp 1: Người lập di chúc tự viết (Điều 633 Bộ luật dân sự 2015)

Trường hợp 2: Người lập di chúc nhờ người khác viết hộ ( Điều 634 Bộ luật dân sự 2015)

Trường hợp 3: Di chúc có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nơi sinh sống, làm việc

Bạn đọc xem chi tiết tại Đây

Thứ hai, cách chứng minh di chúc viết tay là hợp pháp khi những người thừa kế khác không công nhận?

Trường hợp của bạn muốn chứng minh di chúc của bố bạn để lại là hợp pháp, bạn cần làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú ra quyết định công nhận di chúc của bố bạn là hợp pháp. Khi đó, Tòa án sẽ thực hiện giám định di chúc, giám định chữ ký để xác định di chúc là thật hay giả và đánh giá các yếu tố về hình thức, nội dung để xác định di chúc đó có hợp pháp hay không.

Bố bạn không tự tay viết mà nhờ người khác viết hộ di chúc nên về cơ bản, các yếu tố để đánh giá, xem xét di chúc đó hợp pháp hay không (xem Điều 634 Bộ luật dân sự 2015), gồm:

- Tình trạng nhận thức, ý chí của bố bạn tại thời điểm lập di chúc

- Có ít nhất là hai người làm chứng.

- Bố bạn có ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;

- Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của bố bạn và ký vào bản di chúc.

- Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

e, Các nội dung khác không trái đạo đức và pháp luật

- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu,

- Di chúc gồm mấy trang? Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc

- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

- Đối với người làm chứng cho việc lập di chúc, họ có thuộc các trường hợp pháp luật cấm làm chứng không? Vì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

+ Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer