Trong thực tiễn, rất nhiều tranh chấp phát sinh có nguyên nhân xuất phát từ việc một trong các đồng thừa kế thực hiện giao dịch liên quan đến di sản mà chưa có sự đồng thuận rõ ràng từ các đồng thừa kế khác. Điển hình là trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản. Khi đó, vấn đề hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó có được công nhận hay không là một nội dung cốt lõi cần giải quyết. 

Về nguyên tắc, để định đoạt đối với di sản thừa kế, cần có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế khác, mỗi đồng thừa kế chỉ có quyền định đoạt tương ứng với phần di sản thuộc quyền hưởng thừa kế của mình. Tuy nhiên, có trường hợp pháp luật vẫn công nhận tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, ngay cả khi chỉ do một trong các đồng thừa kế tự mình định đoạt. Vậy, nội dung này được quy định cụ thể như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Sao Việt nhé.

Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

Căn cứ Án lệ số 16/2017/AL do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14/13/2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017, liên quan đến hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế thực hiện chuyển nhượng. Với nội dung án lệ như sau: “Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng; các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó; số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế; bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giải pháp pháp lý trường hợp này là Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng”.

Như vậy, theo nội dung án lệ nêu trên, Tòa án sẽ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng là hợp pháp; Đồng thời, diện tích đất đã chuyển nhượng sẽ không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng, khi đáp ứng các điều kiện cần và đủ như sau:

Thứ nhất, di sản thừa kế là bất động sản.

Thứ hai, người thực hiện việc chuyển nhượng bất động sản là di sản thừa kế là một trong các đồng thừa kế.

Thứ ba, các đồng thừa kế khác tuy không tham gia thực hiện chuyển nhượng nhưng đã biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Trong trường hợp này, việc biết và không phản đối của các đồng thừa kế được coi là “sự đồng ý ngầm”. Việc “biết” ở đây được thể hiện như: được thông báo, được chứng kiến hoặc dựa trên các chứng cứ, tài liệu khác…Sự “không phản đối” được thể hiện thông qua các biểu hiện như: im lặng, không có bất kỳ hành động/lời nói phản đối nào…

Thứ tư, số tiền thu được từ việc chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống cho các đồng thừa kế. Một trong các đồng thừa kế thực hiện chuyển nhượng bất động sản là di sản thừa kế với mục đích vì lợi ích chung của tất cả các đồng thừa kế, sử dụng số tiền do chuyển nhượng được để lo cuộc sống cho các đồng thừa kế. Nếu số tiền này không phục vụ lợi ích chung mà chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân của người chuyển nhượng thì đã vi phạm quyền lợi của các đồng thừa kế khác.

Thứ năm, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Do vậy, việc bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những dấu hiệu để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên đã phát sinh hiệu lực pháp luật. Án lệ này được áp dụng bên cạnh việc giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế liên quan, đã giúp bảo vệ quyền của bên nhận chuyển nhượng trong giao dịch bất động sản.

Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer