Theo quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm bắt đầu có hiệu lực từ 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo đó, việc tổ chức dạy thêm tại căn hộ chung cư, nhà tập thể là nhu cầu phổ biến trong thực tế, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi giáo viên muốn tận dụng không gian sẵn có để giảng dạy, giảm chi phí thuê mặt bằng. Vậy, liệu việc đăng ký dạy thêm tại những nơi này có được phép hay không? 

Trong bài viết này, Luật Sao Việt sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này thông qua việc phân tích các quy định có liên quan hiện hành, đồng thời sẽ gợi ý các mô hình hợp lý đối với giáo viên đang có nhu cầu dạy thêm ngoài nhà trường.

1. Có được đăng ký dạy thêm tại chung cư hay không?

Nhà chung cư được pháp luật về nhà ở quy định là “là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp” (Khoản 3 Điều 2 Luật nhà ở năm 2023). Theo đó, nhà chung cư được phân loại bao gồm: nhà chung cư có mục đích để ở và nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp. Trong đó, tại Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD quy định:

- Nhà chung cư có mục đích để ở là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng chỉ sử dụng cho mục đích để ở.

- Nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.

Bên cạnh đó, việc “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại điểm c Khoản 8 Điều 3 Luật nhà ở năm 2023.

Từ những quy định trên có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp/hộ kinh doanh đăng ký dạy thêm sẽ không được đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại căn hộ trong nhà chung cư, nếu nhà chung cư đó chỉ sử dụng cho mục đích để ở. Trong khi đó, đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, bao gồm cả sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại, thì việc đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh dạy thêm sẽ thực hiện được nếu căn hộ thuộc phần diện tích có chức năng làm văn phòng, dịch vụ, thương mại của nhà chung cư đó.

Căn cứ điểm e Khoản 1 Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, hành vi “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức và đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt trên. Đồng thời sẽ buộc phải sử dụng căn hộ vào đúng mục đích theo quy định của pháp luật. 

2. Có được đăng ký dạy thêm tại nhà tập thể hay không?

Đối với trường hợp là nhà tập thể, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trực tiếp và rõ ràng về việc có thể đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại đây hay không. Do đó, về nguyên tắc, nếu pháp luật không cấm thì có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc đăng ký cần được xem xét dựa trên yếu tố sau: nhà tập thể có đặc điểm là nhiều tầng, cũng sử dụng cho mục đích để ở tương tự với tính chất của nhà chung cư và thuộc sở hữu của nhà nước. Bởi vậy, trên thực tế, để kết luận rằng có được đăng ký dạy thêm tại nhà tập thể hay không thì vẫn phải phụ thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh.

3. Gợi ý các mô hình kinh doanh hợp lý đối với giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường

Khi muốn đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường, dựa trên thực tế hiện nay, Luật Sao Việt gợi ý một số địa điểm phổ biến dưới đây để có thể đăng ký đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hợp pháp:

- Thuê mặt bằng tại các tòa nhà thương mại có chức năng văn phòng, giáo dục, dịch vụ… Mô hình này thường có ưu điểm về cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, tận dụng được các yếu tố về phòng cháy, chữa cháy, điện nước, ánh sáng…Tuy nhiên, chi phí thường cao và có thể hạn chế về giờ giấc hoạt động.

- Thuê hoặc sử dụng nhà ở riêng của mình (không phải trường hợp là căn hộ chung cư bị cấm).

- Thuê không gian coworking (văn phòng chia sẻ) để làm trụ sở đăng ký kinh doanh dạy thêm. Mô hình này rất phù hợp với hình thức dạy thêm theo buổi, tuy nhiên có thể sẽ bị giới hạn về thời gian và không gian sử dụng.

Bên cạnh đó, về lựa chọn loại hình kinh doanh, theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Về bản chất, đăng ký kinh doanh là việc đăng ký thành lập chủ thể kinh doanh để thực hiện hoạt động kinh doanh. Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hiện hành, chủ thể thực hiện kinh doanh này có thể là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Như vậy, các cá nhân, tổ chức khi muốn đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường có thể thực hiện đăng ký kinh doanh dưới một trong các hình thức sau: hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tùy theo nhu cầu thực tế mà mỗi cá nhân, tổ chức sẽ có lựa chọn về mô hình kinh doanh tương ứng.

Nếu còn bất kỳ những vướng mắc nào khác liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên của chúng tôi để được tư vấn cụ thể và cung cấp dịch vụ.

Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer