Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Theo quy định hiện nay, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón cần phải có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Vậy điều kiện và thủ tục cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Hãy cùng Luật Sao Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành

Theo quy định tại Điều 36 Luật Trồng trọt 2018, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Trồng trọt; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.

Lưu ý: Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.

Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Để được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón cần đáp ứng những điều kiện sau:

- Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;

- Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón sau đây:

+ Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Trình tự, thủ tục cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, trình tự, thủ tục cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP đến Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam;

+ Bản thông tin chung về phân bón có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại phân bón; tên phân bón; dạng phân bón; hướng dẫn sử dụng; phương thức sử dụng; thời hạn sử dụng; cảnh báo an toàn; chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm;

+ Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón (trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt);

+ Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (đối với phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt).

Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;

- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có): Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Cục Bảo vệ thực vật xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục Bảo vệ thực vật trả lại hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ và công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Thời hạn của Quyết định công nhận là 05 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định 84/2019/NĐ-CP.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Liên hệ Luật Sao Việt để được tư vấn miễn phí và báo giá dịch vụ tại:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer