Anh Nam (Hà Nội): “Chào luật sư, tôi muốn mở một công tại Hà Nội làm về tư vấn môi trường và có ý định liên kết với một công ty ở Bình Dương. Tôi đang phân vân giữa ba hình thức liên doanh hoặc hợp danh hoặc nhượng quyền để có thể sử dụng các mô hình và kinh nghiệm của công ty tại Bình Dương cho công ty tại Hà Nội trong các hợp đồng với đối tác. Mong luật sư tư vấn giúp tôi hình thức hợp tác phù hợp? Tôi xin cảm ơn.”
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
* Đối với hình thức liên doanh:
Về thuật ngữ pháp lý “liên doanh”, thuật ngữ này không được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, có thể hiểu liên doanh là hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thông thường do một bên là nhà đầu tư Việt Nam và một bên là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.
Vì vậy, bạn và công ty tại Bình Dương không thể thành lập một công ty mới dưới hình thức “liên doanh” được.
* Đối với hình thức hợp danh:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty (gọi là thành viên hợp danh) và thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 thì thành viên hợp danh bị hạn chế đối với các quyền sau:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;
- Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Như vậy, nếu muốn thành lập công ty hợp danh, bạn cần lưu ý đến những hạn chế của thành viên hợp danh nêu trên.
* Đối với hình thức nhượng quyền thương mại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP thì bên nhượng quyền và bên nhận quyền bắt buộc phải là thương nhân, đồng thời bên nhượng quyền phải có hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Như vậy, nếu việc cung ứng dịch vụ tư vấn về môi trường của công ty tại Bình Dương đã hoạt động được ít nhất 01 năm thì chị có thể thành lập công ty ở Hà Nội, sau đó hai bên sẽ ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Việc nhượng quyền không phải làm thủ tục đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định chi tiết từ Điều 284 đến Điều 291 Luật Thương mại 2005.
Tóm lại, trong trường hợp bạn muốn liên kết với công ty tại Bình Dương để sử dụng các mô hình và kinh nghiệm của công ty đó để cung cấp dịch vụ tư vấn về môi trường thì tùy điều kiện, nhu cầu bạn có thể lựa chọn hình thức thành lập công ty hợp danh hoặc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn vì không phải thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, không cần cơ cấu lại nhân sự trong doanh nghiệp. Nếu ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, bạn chỉ cần lưu ý về các thoả thuận quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com