Anh Hùng (Hải Phòng): “Chào luật sư, tôi đang có mong muốn thành lập một doanh nghiệp xã hội. Tôi muốn hỏi một doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí nào theo quy định của pháp luật; hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội như thế nào và những gì cần lưu ý khi hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp xã hội? Tôi cảm ơn.”

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

* Về các tiêu chí của doanh nghiệp xã hội

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Doanh nghiệp xã hội phải là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp xã hội phải có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

- Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Như vậy, doanh nghiệp xã hội khác với các doanh nghiệp khác ở mục tiêu hoạt động và kế hoạch sử dụng lợi nhuận phải nhằm phục vụ cho mục tiêu đó. Trong khi doanh nghiệp thông thường có thể kinh doanh nhằm mục tiêu sinh lợi và được tùy ý sử dụng lợi nhuận miễn là tuân thủ các quy định của pháp luật.

* Về hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp xã hội được hướng dẫn bởi Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, theo đó, về cơ bản hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp xã hội tương ứng với các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, kèm theo hồ sơ phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường do những người sau đây ký:

a) Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân;
b) Đối với công ty hợp danh: các thành viên hợp danh;
c) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: các thành viên là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên là tổ chức;
d) Đối với công ty cổ phần: cổ đông sáng lập là cá nhân, cổ đông khác là cá nhân, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông sáng lập là tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông khác là tổ chức, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập.
Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bạn vui lòng tham khảo các bài viết về thành lập doanh nghiệp của Luật Sao Việt: Tại đây.

* Về lưu ý khi hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp xã hội

- Về công khai cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường: Doanh nghiệp xã hội phải thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (Phụ lục II -26 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHDT) cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động. Nội dung cam kết bao gồm:

+ Các vấn đề xã hội, môi trường; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó;

+ Thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

+ Mức tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;

+ Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức và cá nhân; nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường (nếu có);

+ Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần;

+ Đối với doanh nghiệp xã hội là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần: Quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông về thay đổi nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (với trường hợp thay đổi).

- Về nhận viện trợ, tài trợ: Căn cứ theo quy định tại Điểm b, c, d Khoản 2 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp xã hội có thể nhận viện trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng cần lưu ý rằng doanh nghiệp xã hội không được  sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

- Về nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động: Căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 thì trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hằng năm doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ. 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: ​congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer