Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành vào ngày 30/12/2024 và sẽ có hiệu lực từ 14/02/2025 tới đây, tổ chức hoặc cá nhân trước khi tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vậy, liệu người không tốt nghiệp ngành sư phạm, không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có được đăng ký kinh doanh dạy thêm trong trường hợp này không?
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
Trước hết, cần phân biệt người đăng ký kinh doanh dạy thêm và người dạy thêm có thể là hai chủ thể khác nhau, độc lập với nhau. Người thực hiện đăng ký kinh doanh dạy thêm không nhất thiết phải tham gia giảng dạy. Trong khi đó, người thực hiện dạy thêm, thông thường chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Họ không cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm.
Do đó, điều kiện đối với chủ thể đăng ký kinh doanh dạy thêm và điều kiện đối với người thực hiện hoạt động dạy thêm là không giống nhau. Chỉ trong trường hợp nếu người đăng ký kinh doanh dạy thêm đồng thời thực hiện giảng dạy thì sẽ phải đáp ứng cả hai nhóm điều kiện này.
1. Người không tốt nghiệp ngành sư phạm, không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có được đăng ký kinh doanh dạy thêm không?
Trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, mã ngành nghề đăng ký để dạy thêm, học thêm là mã ngành 8559 (nhóm ngành giáo dục khác chưa được phân vào đâu). Mã ngành này hiện nay không thuộc danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, những quy định về yêu cầu đối với các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh cũng không có yêu cầu nào liên quan đến việc phải có bằng tốt nghiệp sư phạm hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm khi đăng ký kinh doanh; Mà chỉ quy định về điều kiện đối với người thực hiện dạy thêm: “Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm” (Khoản 2 Điều 6). Tuy nhiên, cũng không bắt buộc người dạy thêm phải có bằng tốt nghiệp sư phạm hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thay vào đó chỉ cần có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Ví dụ: Bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm/thâm niên giảng dạy…
Như vậy, theo quy định hiện hành, việc đăng ký kinh doanh dạy thêm không bắt buộc người đăng ký phải có bằng tốt nghiệp sư phạm hay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
2. Các yêu cầu phải thực hiện khi tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Ngoài quy định về đăng ký kinh doanh khi tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh. Các tổ chức, cá nhân còn cần thực hiện yêu cầu về công khai thông tin. Cụ thể, tại điểm b, khoản 1 Điều 6 quy định các thông tin cần được công khai bao gồm:
“...các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm…”.
Những thông tin này phải được công khai theo mẫu trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm và dưới một trong hai hình thức sau:
- Công khai trên cổng thông tin điện tử.
- Niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở.
Nếu bạn còn bất kỳ những vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com