Dịch bệnh Covid 19 kéo dài suốt hai năm qua không chỉ là hiện tượng thiên nga đen gây ám ảnh cho nhân loại, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Suy giảm của nền kinh tế đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp không còn khả năng chi trả, buộc phải tuyên bố phá sản. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người thắc mắc rằng sau khi hết dịch, ổn định lại kinh tế có được thành lập doanh nghiệp mới nữa không và việc thành lập doanh nghiệp mới có bị hạn chế?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 130 Luật phá sản, tùy theo nguyên nhân phá sản, loại hình doanh nghiệp, việc thành lập doanh nghiệp mới sau khi phá sản được hiểu như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản không vì lý do bất khả kháng:
Hợp tác xã, doanh nghiệp bị phá sản là doanh nghiệp ngoài nhà nước:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 130 Luật Phá sản 2014, việc thành lập doanh nghiệp mới sau khi phá sản được quy định như sau:
“Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.”
Như vậy, cá nhân không được thành lập doanh nghiệp/ hợp tác xã hoặc làm người quản lý doanh nghiệp/ hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định tuyên bố phá sản của TAND nếu có 2 điều kiện sau đây:
Điều kiện 1: Là người giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị tuyên bố phá sản
Theo quy định tại Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp gồm:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân
+Thành viên hợp danh
+ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên
+Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị
+ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
+ Cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Điều kiện 2: Có các hành vi vi phạm sau
+ Cố ý không thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản
+ Cố ý không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
+ Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã cố ý thực hiện các hoạt động sau:
a.Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
b.Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật phá sản;
c.Từ bỏ quyền đòi nợ
d.Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
Từ các quy định nêu trên, để tránh bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp mới sau khi phá sản, cá nhân từng đảm nhiệm các chức vụ giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân…cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 Luật phá sản 2014
Doanh nghiệp bị phá sản là doanh nghiệp nhà nước:
Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản là doanh nghiệp nhà nước :
+ Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước : “Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.”(khoản 1, 2 Điều 130 Luật Phá sản)
Như vậy, cá nhân giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản vẫn có thể thành lập, góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp khác ngoài nhà nước như doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia giữ các chức vụ trên ở các doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước.
Thứ hai, doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản vì lý do bất khả kháng:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 130 Luật phá sản 2014: “Quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.” Điều đó có nghĩa là với trường hợp hợp tác xã, doanh nghiệp không phân biệt nhà nước hay ngoài nhà nước, nếu phá sản vì lý do bất khả kháng thì cá nhân vẫn được thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com