1. Những trường hợp được khuyến khích chuyển giao công nghệ

Điều 9 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 cũng quy định những công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước khi đáp ứng một trong các yêu cầu như:

- Tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm được tạo ra từ công nghệ cùng loại hiện có;

- Tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước;

- Tạo ra dịch vụ, ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm mới; nuôi, trồng giống mới đã qua kiểm nghiệm;

- Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có ở Việt Nam;

- Sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;

- Tạo ra máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể chất người Việt Nam;

- Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính;

- Sản xuất đồng bộ theo chuỗi có hiệu quả kinh tế - xã hội cao;

- Tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng;

- Phát triển, hiện đại hóa nghề thủ công truyền thống.

Công nghệ sử dụng nguyên liệu là sản phẩm, bán sản phẩm, vật tư sản xuất trong nước được khuyến khích chuyển giao ra nước ngoài.

Cụ thể, danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 76/2018/NĐ-CP bao gồm:

- Các công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

- Công nghệ khuyến khích khác:

+ Công nghệ chế tạo thiết bị quang điện tử hồng ngoại.

+ Công nghệ chế tạo các thiết bị đo, cảm biến chính xác kỹ thuật số.

+ Công nghệ chế tạo ăng ten mảng pha.

+ Công nghệ mã hóa, xác thực, đo lường sinh trắc học, đo lường tâm lý học.

+ Công nghệ nhận dạng giọng nói.

+ Công nghệ ứng dụng mạng nơron trong xử lý các dạng tín hiệu.

+ Công nghệ viễn thám, lidar, hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ các ngành, lĩnh vực.

+ Công nghệ tính toán, xử lý song song ứng dụng trong ngân hàng.

+ Công nghệ sản xuất màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED, AMOLED), màn hình đi-ốt phát quang (LED) và các màn hình tương tác.

+ Công nghệ sử dụng vật liệu biomass hiệu năng cao.

2. Thành phần hồ sơ 

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao được quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 12/2023/QĐ-TTg bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt hoặc bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực đối với văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ bằng tiếng nước ngoài;

- Thuyết minh nội dung chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

- Bản sao văn bằng bảo hộ hoặc đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp (trong trường hợp chưa được cấp văn bằng bảo hộ), giấy chứng nhận chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (trong trường hợp có chuyển giao quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp);

- Báo cáo triển khai hoạt động chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo nội dung trong văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ có xác nhận của đầy đủ các bên tham gia chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương của các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

3. Thủ tục thực hiện

Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao sẽ được cấp sau khi các bên đã triển khai những nội dung chuyển giao công nghệ và sản xuất ra sản phẩm. Nếu văn bản thỏa thuận chuyển giao có quy định về tiêu chuẩn của sản phẩm thì sản phẩm tạo ra phải đạt được đúng tiêu chuẩn đó. 

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chuyển giao được quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 12/2023/QĐ-TTg như sau:

Bước 1: Bên giao hoặc bên nhận công nghệ thay mặt các bên tham gia chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan cấp Giấy chứng nhận;

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ hoặc có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung;

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ để thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

Bước 4: Hội đồng tổ chức họp thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập.

Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Báo cáo kết quả thẩm định và Biên bản họp của Hội đồng, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp từ chối, phải trả lời và nêu rõ lý do từ chối bằng văn bản.

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer