Công ty tôi kiếm được nguồn nhập hàng tốt nên đã ký được một hợp đồng cung ứng vật liệu cho công ty may. Tuy nhiên khi đăng ký kinh doanh, chúng tôi chưa đăng ký kinh doanh mã ngành nghề hàng may mặc. Vậy doanh nghiệp có được phép kinh doanh những ngành, nghề đó không? Và có được xuất hóa đơn đối với những ngành nghề chưa đăng ký kinh doanh không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Như vậy, trừ những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bị cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề khác.
Tuy nhiên, khi thay đổi, thêm ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Nếu có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
- Chậm từ 01 - 10 ngày: Phạt cảnh cáo;
- Chậm từ 11 - 30 ngày: Phạt từ 03 - 05 triệu đồng;
- Chậm từ 31 - 90 ngày: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng;
- Chậm từ 91 ngày trở lên: Phạt từ 10 - 20 triệu đồng;
- Không thông báo: Phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Theo những quy định nêu trên, có thể thấy doanh nghiệp được kinh doanh ngành nghề không đăng ký nhưng trong 10 ngày kể từ ngày có thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh
Về việc xuất hóa đơn đối với ngành, nghề chưa đăng ký:
Theo nguyên tắc, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Đồng thời theo tinh thần của Công văn 1387/TCT-KK ngày 14/4/2015 của Tổng cục Thuế thì: “Doanh nghiệp được kê khai thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành, nghề bị cấm kinh doanh.”
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh không thuộc ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên trong vòng 10 ngày (kể từ ngày có thay đổi - hoặc kể từ ngày xuất hóa đơn) doanh nghiệp phải nhanh chóng tiến hành thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để cập nhật nhật ngành, nghề kinh doanh mới trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chỉ cần thông báo, không phải thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do hiện nay, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề kinh doanh mà chỉ cập nhật ngành, nghề kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com