Hàng hóa nguy hiểm là loại hàng hóa rất độc hại, nếu bị rò rỉ có thể gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người. Chính vì vậy, pháp luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện về phương tiện cũng như người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Để được phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì tổ chức, cá nhân phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Bài viết này của Luật Sao Việt sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc về thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
1. Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi;
- Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.
2. Hàng hóa nguy hiểm là gì?
Hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 42/2020/NĐ-CP).
Tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại sau đây:
- Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.
- Loại 2: Khí.
- Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
- Loại 4: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; Chất có khả năng tự bốc cháy; Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
- Loại 5: Chất ôxi hóa và Perôxít hữu cơ.
- Loại 6: Chất độc; Chất gây nhiễm bệnh.
- Loại 7: Chất phóng xạ.
- Loại 8: Chất ăn mòn.
- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
3. Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bao gồm:
+ Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này;
+ Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô);
+ Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
+ Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;
+ Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ;
+ Bản sao hoặc bản chính hợp đồng mua bán, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản cho phép thử nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi thử nổ công nghiệp) hoặc quyết định hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi hủy) của cơ quan có thẩm quyền;
+ Bản sao hoặc bản chính biên bản kiểm tra của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền về điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của người áp tải, người điều khiển phương tiện và phương tiện vận chuyển (kèm theo bản chính để đối chiếu);
+ Bản sao hoặc bản chính giấy đăng ký khối lượng, chủng loại và thời gian tiếp nhận của cơ quan trực tiếp quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển đến hoặc văn bản cho phép về địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;
+ Bản sao hoặc bản chính văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất khẩu hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài (trường hợp vận chuyển ra nước ngoài).
4. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9
Bộ Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9 theo quy định tại Nghị định 42/2020/NĐ-CP (trừ hóa chất bảo vệ thực vật).
5. Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9
- Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân vận tải hàng hoá nguy hiểm loại 1, 2, 3, 4, 9 nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP đến cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
- Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.
- Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com