Theo Nghị định số 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/12 tới đây, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (gọi tắt là ICP - Internet Content Provider). Vậy khi nào phải xin giấy phép thiết lập loại trang thông tin điện tử này và thủ tục thực hiện như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật Sao Việt nhé.

Thủ tục xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp - ICP

Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

1. Khi nào phải xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

Trang thông tin điện tử, hay còn gọi là website đã trở nên rất phổ biến và quen thuộc. Tại Điều 20 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, trang thông tin điện tử được chia thành 07 loại. Bao gồm:

- Báo điện tử và tạp chí điện tử.

- Trang thông tin điện tử tổng hợp.

- Trang thông tin điện tử nội bộ.

- Trang thông tin điện tử cá nhân.

- Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành.

- Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

- Trang thông tin điện tử cung cấp thông tin dưới hình thức Cổng thông tin điện tử.

Căn cứ Điều 24 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp chỉ được pháp thiết lập khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội. 

Tuy nhiên, “các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trang thông tin điện tử cá nhân, khi có cung cấp thông tin tổng hợp” thì cũng phải có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

Trong đó, trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp. Những thông tin tổng hợp này được giải thích “là thông tin đã được đăng, phát trên báo chí Việt Nam và thông tin đã được đăng phát trên các trang thông tin điện tử của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trong trường hợp: Doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử để cung cấp những thông tin đã được đăng, phát trên báo chí Việt Nam, các trang thông tin điện tử của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt loại trang thông tin điện tử tổng hợp này với trang thông tin điện tử nội bộ của doanh nghiệp, chỉ cung cấp những thông tin về tổ chức bộ máy, hoạt động, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề phục vụ cho hoạt động của mình. 

2. Thủ tục xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

Khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo trình tự, thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp bao gồm các tài liệu sau:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

- Bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020.

- Đề án hoạt động có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép; bao gồm các nội dung chính theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP.

- Bản in/bản scan màu (nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính) hoặc bản chụp (nộp qua dịch vụ công trực tuyến) giao diện trang chủ và các trang chuyên mục chính.

- Bản sao hợp lệ văn bản thỏa thuận hợp tác nguồn tin giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và cơ quan báo chí.

Lưu ý: Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao chứng thực điện tử hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết hồ sơ: 

- Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử) nếu chủ thể đề nghị là doanh nghiệp trực thuộc trung ương.

- Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nếu chủ thể đề nghị là doanh nghiệp không thuộc đối tượng trên và có trụ sở chính hoạt động tại địa phương.

Hình thức nộp hồ sơ:

- Nộp trực tiếp

- Thông qua dịch vụ bưu chính

- Nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép (phải có chữ ký số)

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ xem xét và trả kết quả. 

- Nếu được cấp phép, Doanh nghiệp sẽ nhận kết quả là một đoạn mã (thể hiện biểu tượng trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép) qua địa chỉ thư điện tử. Đoạn mã này phải được gắn lên trang thông tin điện tử tổng hợp mà doanh nghiệp được cấp phép.

- Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối.

Bài viết tham khảo:

Điều kiện được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

Thủ tục xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào hoặc khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Sao Việt, bạn đọc vui lòng liên hệ Chuyên viên và Luật sư của chúng tôi thông qua những hình thức sau đây.

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer