Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó lần đầu tiên đưa vào quy định về tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Đây là bước ngoặt chính sách trong xử lý hành vi sử dụng chất ma túy, từ biện pháp hành chính sang hình sự hóa có điều kiện. Dù nhằm mục tiêu răn đe và giảm cầu ma túy, quy định mới cũng đặt ra nhiều tranh luận về tính hợp lý, hiệu quả và tác động xã hội.
Ảnh minh họa (nguồn:internet)
1. Hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy
Trong hệ thống pháp luật hiện hành, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm hình sự. Bộ luật Hình sự trước khi sửa đổi chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi liên quan đến ma túy như mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, tổ chức sử dụng…, chứ không xử lý hình sự riêng đối với người chỉ đơn thuần sử dụng. Những trường hợp như vậy chỉ bị xử phạt hành chính, theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng nghiện và tái nghiện ngày càng phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội và làm khó cho công tác quản lý, cai nghiện. Việc không có chế tài đủ mạnh đối với những người tái sử dụng sau cai nghiện khiến cơ quan chức năng gặp khó trong kiểm soát. Trước tình hình đó, việc bổ sung tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy” vào Bộ luật Hình sự được xem là bước đi cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả răn đe, lấp khoảng trống pháp lý và góp phần thực hiện mục tiêu giảm cầu trong phòng, chống ma túy.
2. Nhận diện “Tội sử dụng trái phép chất ma túy”
Điều 256a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS lần này không áp dụng đối với tất cả người sử dụng trái phép chất ma túy. Cụ thể, Điều 256a quy định về tội "Sử dụng trái phép chất ma túy" nêu rõ:
“Điều 256a. Tội sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật phòng, chống ma túy mà bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 03 năm.
2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.”
- Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm đến trật tự công cộng và chính sách phòng, chống tệ nạn ma túy - một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến an ninh xã hội, an toàn cộng đồng và giống nòi dân tộc. Việc sử dụng trái phép chất ma túy tái diễn không chỉ là hành vi lệch chuẩn cá nhân, mà còn đe dọa sự hiệu quả của các chính sách cai nghiện, làm suy giảm tính nghiêm minh của pháp luật, và có thể kích hoạt các tội phạm khác có liên quan.
- Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (tiêm, hút, hít, nuốt…) và bị phát hiện.
- Chủ thể của tội phạm
Chủ thể phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (từ đủ 16 tuổi trở lên). Đặc biệt, chủ thể của tội danh này phải thuộc nhóm đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật phòng, chống ma túy.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình là sử dụng trái phép chất ma túy, biết rõ mình đang hoặc đã từng tham gia cai nghiện nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, tức nhận thức được tính chất trái pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện.
Như vậy, điểm cốt lõi cần nhấn mạnh là: không phải tất cả người sử dụng ma túy đều bị xử lý hình sự, mà chỉ áp dụng đối với các đối tượng thuộc trường hợp trên. Những đối tượng này bị coi là đã không tuân thủ cam kết tái hòa nhập cộng đồng, không hợp tác với các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, và do đó phải chịu trách nhiệm ở mức cao hơn.
3. Một số vấn đề đặt ra
Cách quy định này có thể được hiểu như một rào cản pháp lý nhằm thúc đẩy người nghiện nghiêm túc trong quá trình điều trị và tái hòa nhập, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng rằng: hành vi tái nghiện không còn đơn thuần là vấn đề sức khỏe cá nhân, mà là một nguy cơ xã hội có thể bị xử lý bằng công cụ hình sự. Tuy nhiên, điểm mới này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần đặt ra như: liệu quy định này có khiến người nghiện né tránh việc đi cai nghiện để khỏi bị "gắn mác" tái nghiện, và liệu hình phạt tù có thực sự là biện pháp hiệu quả?
Có nên phân biệt giữa người lần đầu và người tái nghiện?
Một trong những đặc điểm nổi bật của Điều 256a là sự phân biệt rõ ràng giữa người lần đầu sử dụng và người đã từng cai nghiện. Người đã được nhà nước hỗ trợ cai nghiện, thậm chí từng tham gia các chương trình điều trị bằng thuốc thay thế, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, có thể được cho là cố tình vi phạm, có khả năng gây rủi ro cao hơn về tái phạm và lan truyền tệ nạn. Tuy nhiên, việc chỉ xử lý hình sự hành vi tái nghiện mà không xử lý hành vi nghiện lần đầu, lại đặt ra nguy cơ phân biệt đối xử trong xử lý người phạm tội. Trong khi cả hai đều có cùng hành vi là sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng mức độ truy cứu lại dựa vào quá khứ điều trị, chứ không phải mức độ nguy hiểm hiện tại. Đây là điểm dễ dẫn đến bất cập trong công bằng hình sự.
Nguy cơ tác động ngược: né tránh cai nghiện
Việc hình sự hóa hành vi tái sử dụng trái phép chất ma túy ở người đã từng hoặc đang cai nghiện tuy nhằm mục tiêu răn đe, ngăn chặn tái nghiện và giảm cầu ma túy, nhưng cũng đặt ra nguy cơ tác động xấu ngược lại trong xã hội. Điều này vô hình trung tạo nên một tâm lý lo ngại bị coi là tái nghiện, đồng nghĩa với việc có thể bị xử lý hình sự nếu tái vi phạm. Chính nỗi sợ này khiến không ít người nghiện và gia đình có xu hướng né tránh việc đăng ký cai nghiện, dù tự nguyện hay bắt buộc, nhằm tránh bị đưa vào diện theo dõi. Hệ quả là có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ tiếp cận dịch vụ điều trị nghiện, nguy cơ càng cao là người nghiện chọn ẩn mình, tự điều trị không kiểm soát hoặc tiếp tục sử dụng mà không tìm đến bất kỳ hình thức hỗ trợ nào.
Hình sự hóa liệu có thực sự hiệu quả?
Một câu hỏi then chốt được đặt ra là: phạt tù người tái nghiện liệu có làm giảm được tình trạng tái nghiện hay không? Thực tiễn cho thấy, nghiện ma túy là một dạng rối loạn y tế mãn tính, với tỷ lệ tái phát cao, kể cả sau điều trị lâu dài. Trong khi đó, môi trường trại giam không phải là nơi thích hợp để điều trị nghiện, lại có nguy cơ cao khiến người nghiện tiếp xúc với nhiều loại tội phạm khác, dễ tái nghiện và tái phạm ngay sau khi chấp hành xong hình phạt. Khi đó, việc hình sự hóa có thể đơn thuần chỉ là cách chuyển dịch vấn đề từ hệ thống y tế sang hệ thống tư pháp, chứ không thực sự giải quyết được căn nguyên.
Nếu còn bất kỳ vướng mắc pháp lý nào liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn, gỡ vướng kịp thời và cung cấp các dịch vụ pháp lý hiệu quả.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com