Phương Liên: Bà Nguyệt có nợ gia đình tôi một khoản tiền vay từ 3 năm trước chưa chịu trả trong khi đã quá hạn trả nợ. Tôi cùng chồng đã đến phòng trọ bà Nguyệt với mong muốn nói chuyện tử tế để bà ấy đưa tiền, tuy nhiên bà ta không chịu mở cửa mà còn buông lời thách thức. Chồng tôi vì quá tức giận mà đã đá cửa xông vào nhà và hai bên có lời qua tiếng lại, song chúng tôi chưa đánh đập hay làm gì bà Nguyệt cả. Bà ta còn dọa sẽ kiện chúng tôi vì tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Luật sư cho tôi hỏi hành vi của vợ chồng tôi có đến mức vi phạm pháp luật như lời bà Nguyệt nói hay không?
Hình ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Hiến pháp 2013 của nước ta quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định: "Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật."
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhà trọ nơi bà Nguyệt đang ở cũng được coi là chỗ ở hợp pháp của bà.
Do đây là chỗ ở hợp pháp của bà Nguyệt nên hành vi đá cửa xông vào nhà bà Nguyệt của chồng bạn có thể được xem là một trong những hành vi xâm phạm chỗ ở người khác cấu thành Tội xâm phạm chỗ ở người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
"Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Trên thực tế, những trường hợp như của bạn xảy ra khá phổ biến khi mà chủ nợ đến nhà gây sức ép buộc con nợ buộc phải trả nợ, tuy nhiên làm như vậy là bạn đang tự “chuốc họa vào thân”, bạn không nên tự ý đi đòi nợ mà nên nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền, hoặc có thể tiến hành làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bà Nguyệt cư trú để giải quyết về vấn đề tranh chấp trong hợp đồng vay tài sản.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com