Vụ người mẹ bỏ rơi con 03 tuổi khiến đứa bé tử vong tại Long An đã gây bức xúc trong dư luận những ngày qua. Trong trường hợp này, hành vi của người mẹ không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là trách nhiệm pháp lý thích đáng. Vậy, người mẹ trong vụ việc này có thể phải đối mặt với tội danh gì?
1. Nghĩa vụ của cha mẹ và quyền của trẻ em theo quy định pháp luật
Theo Luật trẻ em năm 2016, người dưới 16 tuổi thì được coi là trẻ em. Theo đó, việc bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6 của Luật này. Cụ thể, hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em được giải thích “là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.”
Trong quan hệ hôn nhân gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.” (theo Khoản 2 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Đồng thời, “Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.” (theo Khoản 3 Điều 70 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Như vậy, hành vi của người mẹ trong vụ việc ở Long An khi bỏ bé trai 03 tuổi lại ven đường rồi chạy xe đi, mặc cho đứa bé chạy đuổi theo sau (theo thông tin ban đầu được báo chí đưa tin) được xác định là hành vi cố ý bỏ rơi con. Đây là hành vi trái pháp luật, do đã vi phạm điều cấm của Luật trẻ em, đồng thời không thực hiện nghĩa vụ của người làm mẹ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Trách nhiệm pháp lý mà người mẹ phải đối mặt khi bỏ rơi con dẫn đến hậu quả tử vong
Liên quan đến hành vi bỏ rơi trẻ em nói chung và con đẻ nói riêng, trong hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm pháp lý được đặt ra từ xử lý vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này quy định mức xử phạt đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em là từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Đối với vụ việc tại Long An, trong trường hợp này hành vi của người mẹ đã dẫn đến hậu quả con bị bỏ rơi tử vong. Do đó, người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thay vì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên.
Trước hết, cần đánh giá và xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi của người mẹ.
Khi đó, tùy thuộc vào yếu tố lỗi mà người mẹ có thể bị truy cứu về tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015) hoặc tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015).
Trong cấu thành tội phạm, yếu tố lỗi thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Đây chính là thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó. Do thông tin của vụ việc chưa được cơ quan chức năng kết luận cụ thể chi tiết nên có thể chia thành hai trường hợp sau:
2.1 Trường hợp người mẹ có lỗi cố ý
Căn cứ Điều 10 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015, cố ý phạm tội được quy định như sau:
“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”
Như vậy, người mẹ được xác định là có lỗi cố ý khi thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Thấy trước được hậu quả của hành vi bỏ rơi con trai 03 tuổi ở đường, vào buổi tối và bỏ đi, mặc cho con vừa khóc vừa chạy đuổi theo xe là có thể dẫn đến cái chết của con và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Hoặc thấy trước được hậu quả của hành vi bỏ rơi con trai 03 tuổi ở đường, vào buổi tối và bỏ đi, mặc cho con vừa khóc vừa chạy đuổi theo xe là có thể dẫn đến cái chết của con, tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Biểu hiện ý thức của người mẹ có thể biểu hiện ra bên ngoài như: lên kế hoạch chi tiết, lựa chọn địa điểm là nơi vắng vẻ, thời gian vào buổi tối muộn ít người qua lại, đoạn đường nhiều xe cộ/kênh mương…
Trong trường hợp này, người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015. Theo đó, mức hình phạt đối với người phạm tội được quy định như sau:
Ảnh minh họa (Nnguồn:Internet)
2.2 Trường hợp người mẹ có lỗi vô ý
Lỗi vô ý được quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015. Cụ thể:
“Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Người mẹ trong trường hợp phạm lỗi vô ý là khi:
- Tuy thấy trước hành vi bỏ rơi con của mình có thể gây ra hậu quả dẫn đến tình huống xấu với người con còn nhỏ nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, ví dụ như sẽ có người phát hiện ra con và giúp đỡ.
- Hoặc người mẹ không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả dẫn đến người con tử vong như vậy, mặc dù điều này là phải thấy trước được và có thể thấy trước được hậu quả đó. Ví dụ như việc bỏ rơi con vào buổi tối vắng người, bên đường xa lạ với con, một đứa trẻ 03 tuổi đang khóc lóc vì hoảng loạn, sợ hãi do bị mẹ bỏ lại chưa thể tự chăm sóc cho bản thân và cũng chưa có khả năng tự tìm cách giải quyết, nhờ vả sự giúp đỡ của người khác trong hoàn cảnh như vậy. Trong hoàn cảnh như vậy, nguy hiểm xảy đến với con là điều có thể nhận thấy trước được.
Trong trường hợp này, người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2015. Theo đó, mức hình phạt như sau:
“1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Trên đây là những chia sẻ của Luật Sao Việt liên quan đến tội danh mà người mẹ bỏ rơi con dẫn đến tử vong tại Long An có thể phải đối mặt.
Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào, bạn đọc vui lòng liên hệ các Luật sư, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com