Trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay, một dạng quan hệ pháp luật dân sự đặc thù đang phát sinh phổ biến là các tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ, mà điển hình là nhà thờ họ – nơi gắn với tâm linh, tín ngưỡng và truyền thống của nhiều gia tộc. Câu hỏi đặt ra là: Dòng họ có thể là chủ thể đứng tên khởi kiện trong các vụ án như vậy không? Để giải quyết câu hỏi này, cần làm rõ tư cách chủ thể của dòng họ trong quan hệ dân sự và quan hệ tố tụng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Tư cách chủ thể của dòng họ trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự

Trước hết, cần khẳng định rằng tư cách chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự được xác định dựa trên cơ sở tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự. Căn cứ Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như sau: “1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”

Từ quy định này có thể thấy, về cơ bản, chủ thể của quan hệ dân sự trong trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân không phải là chính tổ chức đó, mà là các cá nhân cấu thành nên tổ chức đó (thông qua trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện). Dòng họ, trong thực tiễn xã hội Việt Nam, là một loại hình tổ chức truyền thống, hoạt động chủ yếu vì mục đích tinh thần, tâm linh, và không được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân. Do đó, dòng họ không có địa vị pháp lý độc lập trong quan hệ dân sự, mà chỉ là một hình thức tổ chức mang tính cộng đồng. 

Do đó, dòng họ không thể trở thành chủ thể trực tiếp tham gia tố tụng với tư cách là đương sự trong vụ án dân sự. Thay vào đó, chỉ các thành viên của dòng họ – những người thực tế có quyền lợi và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ tài sản chung của dòng họ – mới được xác định là có tư cách khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ. Cần lưu ý thêm rằng, trưởng họ – người thường đại diện cho dòng họ trong các hoạt động quản lý, duy trì di sản hoặc xử lý các vấn đề nội bộ, không đương nhiên được coi là người đại diện theo pháp luật của dòng họ trong tố tụng dân sự. Vì vậy, nếu trưởng họ tham gia tố tụng, thì tư cách của họ chỉ có thể là người đại diện theo ủy quyền của các cá nhân là thành viên dòng họ – những người có quyền lợi liên quan và có đủ năng lực hành vi tố tụng.

Ngoài ra, pháp luật dân sự có cơ chế ghi nhận sở hữu chung của cộng đồng, trong đó có dòng họ tại Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn…

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng…”

Như vậy, các thành viên trong dòng họ có quyền bình đẳng trong việc cùng sử dụng, quản lý và định đoạt tài sản chung. Khi tài sản này bị xâm phạm, ví dụ như đất nhà thờ họ bị chiếm dụng, tranh chấp về quyền quản lý tài sản chung là nhà thờ họ, thì mỗi thành viên đều có quyền khởi kiện độc lập, để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ mà cá nhân là một phần trong đó. Theo đó, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình hoặc thông qua người khác làm đơn khởi kiện. Như vậy, không có quy định nào bắt buộc tất cả các thành viên dòng họ phải đồng thuận hoặc ủy quyền cho một người thì người đó mới có thể thực hiện quyền khởi kiện.

Tóm lại, dòng họ không có tư cách độc lập để khởi kiện trong tố tụng dân sự. Việc khởi kiện trong các tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ, như nhà thờ họ, phải được thực hiện bởi các thành viên trong dòng họ, là cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ. 

Ảnh minh họa (nguồn:internet)

2. Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC – nguyên đơn không thể là dòng họ

Về mặt thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã có hướng dẫn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản chung của dòng họ tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐTP. Tại Điều 3 Nghị quyết này quy định: 

“1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2. Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.”

Theo đó, Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết rõ đối với hai vấn đề pháp lý: Thứ nhất, thành viên của dòng họ là chủ thể có tư cách khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thuộc sở hữu chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ. Điều này phù hợp với những quy định của pháp luật về dân sự và tố tụng đã phân tích; Thứ hai, dòng họ không phải là nguyên đơn, tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ. Dựa vào những hướng dẫn này của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đã chấm dứt thực trạng thiếu thống nhất trong việc xác định tư cách khởi kiện của dòng họ trong thực tiễn xét xử.

Nếu có bất kỳ những vướng mắc pháp lý nào liên quan, liên hệ ngay với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được giải đáp, tư vấn và gỡ vướng kịp thời.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer