1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

2. Nội dung

Khái niệm: Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, cỏn bên được tặng cho đồng ý nhận.”

Đặc điểm:

- Hợp đồng tặng cho tài sản là một hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá. Trong hợp đồng tặng cho, một bên (bên tặng cho) trao cho bên kia (bên được tặng cho) một khoản lợi ích vật chất (tài sản tặng cho) mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình một lợi ích vật chất khác. Người nhận tài sản được tặng cho không phải trả cho bên đã tặng cho một khoản tiền hay một lợi ích vật chất nào.

- Trong hợp đồng tặng cho tài sản, dù hai bên đã có sự thoả thuận cụ thể về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho người được tặng cho, thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập. Các bên trong hợp đồng không có quyền yêu cầu đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Việc hứa tặng cho không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản. Bên được tặng cho không có quyền yêu cầu bên tặng cho phải giao tài sản đã hứa tặng cho.

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Trường hợp, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quvền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình:

Trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

Thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho:

Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tặng cho tài sản có điều kiện:

- Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer