Điều 329 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định Ký cược như sau:
1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
2. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.
Như vậy, biện pháp ký cược chỉ được sử dụng để bảo đảm duy nhất cho nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản. Điều đó có nghĩa là không được ký cược để bảo đảm nghĩa vụ đối với bất kỳ loại hợp đồng nào khác, kể cả hợp đồng thuê bất động sản.
Tuy nhiên, ký cược cũng đã từng được quy định không phải để “bảo đảm việc trả lại tài sản thuê”, mà còn để bảo đảm việc khách du lịch nước ngoài thông qua các doanh nghiệp du lịch trở về nước.
Việc quy định tài sản ký quỹ là “kim khí quý, đá quý” bên cạnh “một khoản tiền” hoặc vật có giá trị cũng là không cần thiết và hợp lý như đã nêu ở tiểu mục 7.1 về đặt cọc.
Và cũng tương tự như đã phân tích ở tiểu mục đặt cọc, tài sản ký cược cũng không bao gồm bất động sản, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Biện pháp ký quỹ hoàn toàn có thể được thay thế bằng biện pháp đặt cọc hoặc cầm cố tài sản. Biện pháp bảo đảm này chỉ để bảo đảm duy nhất một nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản. Như vậy, nếu các bên muốn áp dụng biện pháp bảo đảm rộng hơn, chẳng hạn để giao kết hay bồi thường hư hỏng tài sản hoặc chấm dứt hợp đồng sai thì lạo phải áp dụng biện pháp đặt cọ hoặc biện pháp bảo đảm khác. Từ khi chưa có quy định về các biện pháp bảo đảm nói chung, pháp luật cũng đã từng đề cập biện pháp đặt cọc đối với hợp đồng thuê nhà.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, nếu bên thuê không trả lại tài sản cho bên cho thuê thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. Tuy nhiên, khác với cầm cố và thế chấp, Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định khi tài sản ký cược có giá trị nhỏ hơn hoặc lớn hơn giá trị động sản thuê thì xử lý thế nào? Đối với giao dịch thuê, mượn động sản, nếu không có việc ký cược, thì bên cho thuê có quyền khởi kiện yêu cầu bên thuê trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại, nếu có. Tuy nhiên, khi đã có thỏa thuận ký cược thì không rõ bên cho thuê có vừa được sở hữu tài sản ký cược vừa được quyền khởi kiện để yêu cầu đòi lại tài sản thuê và bồi thường thiệt hại, khi giá trị tài sản ký cược nhỏ hơn giá trị động sản thuê hay không. Nếu bên cho thuê được làm việc đó thì sẽ bất hợp lý, vì bên thuê tài sản cũng có quyền ngược lại, tức là có quyền khởi kiện yêu cầu bên cho thuê trả lại phần giá trị tài sản ký cược lớn hơn giá trị tài sản thuê.
Nghị định 163/2006/NĐ – CP quy định về quyền, nghĩa vụ của bên ký cược và bên nhận ký cược như sau:
Thứ nhất, bên ký cược có nghĩa vụ: thanh toán cho bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản ký cược cho bên nhận ký cược đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trong trường hợp tài sản đó được chuyển quyền sở hữu cho bên nhận ký cược theo quy định của pháp luật hoặc theo thảo thuận.
Thứ hai, bên ký cược có quyền yêu cầu bên nhận ký cược ngừng việc sử dụng tài sản ký cược, nếu do sử dụng mà tài sản có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
Thứ ba, bên nhận ký cược có nghĩa vụ: bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược; không được khai thác, sử dụng tài sản đó, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác; không được xác lập giao dịch đối với tài sản ký cược, trừ trường hợp bên ký cược đồng ý.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com