Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trong đó có sự điều chỉnh về việc người lao động được rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nhiều người lao động đang hiểu sai quy định này và cho rằng không được rút BHXH 1 lần sau này 1/7/2025, dẫn đến việc họ chủ động nghỉ việc để rút BHXH gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy pháp luật đang quy định như thế nào về việc này và thực hư quy định của Luật thay đổi ra sao?  

Đóng BHXH mức cao nhất thì nhận lương hưu bao nhiêu?Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định thế nào về việc người lao động rút BHXH 1 lần?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới được thông qua, điều kiện để được rút BHXH một lần sau khi điều chỉnh như sau:

- Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2025)

- Sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và cũng không tham gia BHXH tự nguyện

- Có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm

- Có đề nghị được hưởng BHXH một lần

Theo quy định này, việc rút BHXH một lần vẫn được duy trì với người lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc trước ngày 01/7/2025, tức là ngay cả khi bạn bắt đầu đóng BHXH từ ngày 30/6/2025 thì bạn vẫn được rút BHXH một lần nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

Đối với nhóm người lao động tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 trở đi, họ vẫn sẽ được rút BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt theo luật định:

(1) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH

(2) Ra nước ngoài để định cư

(3) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS

(4) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

(5) Người khuyết tật đặc biệt nặng

Hiện hành, theo quy định Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, người lao động có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

(2) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;

(3) Ra nước ngoài để định cư;

(4) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, người lao động vẫn sẽ được rút BHXH một lần tuy nhiên điều kiện có phần khắt khe hơn so với trước đây.

2. Tại sao phải hạn chế việc rút BHXH một lần?

Rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ không được hưởng các chế độ BHXH sau này, trong đó có lương hưu. Vì vậy, hạn chế NLĐ rút BHXH một lần giúp họ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu và có nguồn thu nhập khi về già. Việc người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ từ quá trình tích lũy khi tham gia BHXH, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định an sinh xã hội sau này.

Phương án hạn chế rút BHXH một lần đã thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.”

Quy định mới này thể hiện lộ trình từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua mà không làm xáo trộn và bảo đảm quyền lợi cho hơn 18 triệu người đang tham gia BHXH, đồng thời vẫn tiếp tục tiến tới tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

=============================================================================================

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer