Theo quy định của pháp luật, việc tống đạt giấy tờ cho đương sự luôn ưu tiên phương thức tống đạt trực tiếp vì đem lại tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, quá trình tống đạt cho đương sự là cá nhân trong vụ việc dân sự thường gặp khó khăn vì khó, hoặc không thể liên hệ với họ, đặc biệt là đối với những người nhận có địa chỉ tại các toà chung cư. Vậy, trong những trường hợp không thể liên hệ được với đương sự cư trú tại chung cư, Toà án có thể áp dụng phương thức niêm yết công khai và niêm yết tại sảnh chung cư hoặc tại bản tin chung hay không? Hãy cùng Luật Sao Việt tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Áp dụng niêm yết công khai văn bản tố tụng của Tòa án trong vụ việc dân sự đối với đương sự là cá nhân khi nào?
Trong giải quyết vụ việc dân sự, hoạt động cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là hoạt động tố tụng của Tòa án nhằm mục đích chuyển giao văn bản tố tụng đã được ban hành đến các chủ thể có liên quan để họ biết được về nội dung của văn bản đó, đồng thời để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Hơn nữa, đây cũng chính là cơ sở để xác định người có nghĩa vụ cấp, giao, chuyển, gửi hoặc thông báo văn bản tố tụng đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình để từ đó Tòa án có cơ sở để tiếp tục giải quyết theo trình tự thủ tục luật định.
Hiện nay, các phương thức cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
2. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
3. Niêm yết công khai.
4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này.”
Theo đó, niêm yết công khai là một trong những phương thức cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng được pháp luật quy định. Tuy nhiên, tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.”. Do đó, chỉ trong những trường hợp không thể thực hiện được phương thức cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng thì mới áp dụng phương thức niêm yết công khai.
Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay không có quy định cụ thể như thế nào thì được coi là không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân mà chỉ có quy định cụ thể về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân tại Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, có thể hiểu rằng khi không thể đáp ứng được về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân theo quy định này thì có thể được coi là không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp và làm cơ sở để áp dụng phương thức niêm yết công khai.
2. Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng
Những chủ thể có trách nhiệm thực hiện niêm yết công khai được quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm:
“Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện”.
Cũng tại căn cứ này, việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được quy định thực hiện như sau:
“a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.”
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Từ những căn cứ trên có thể thấy rằng, để xác định Tòa án có thể niêm yết văn bản tố tụng tại khu vực bản tin chung, sảnh chung cư khi không liên hệ được với đương sự cư trú tại đây hay không thì cần dựa trên các cơ sở sau:
Thứ nhất, có đáp ứng điều kiện áp dụng phương thức niêm yết công khai hay không?
Việc “không liên hệ được” cho người nhận văn bản tố tụng trong trường hợp này nếu thuộc những trường hợp không thể đáp ứng được về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân theo quy định tại Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì có thể đáp ứng điều kiện áp dụng phương thức niêm yết công khai. Cụ thể:
Một là, trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới nhưng họ không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới.
Hai là, trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ và có biên bản được lập về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn.
Thứ hai, bản tin chung hoặc sảnh chung cư có phải là nơi được niêm yết công khai văn bản tố tụng hợp pháp hay không?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục niêm yết công khai đã nêu bên trên, có thể thấy đối với cá nhân, nơi niêm yết công khai hợp pháp văn bản tố tụng có bao gồm tại “nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng” của cá nhân. Tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với bản sao của văn bản tố tụng và không quy định cụ thể vị trí cần niêm yết là ở vị trí nào của nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng đó.
Tại Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử có hướng dẫn liên quan đến vấn đề “Hiện nay, việc tống đạt cho đương sự cư trú tại các chung cư thường gặp khó khăn do bị cản trở hoặc không hợp tác của bảo vệ, Ban quản lý chung cư. Vậy, Tòa án có thể niêm yết tại khu vực bản tin chung, sảnh chung cư hay không?”. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao viện dẫn Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và kết luận rằng trong trường hợp này thì Tòa án phải thực hiện niêm yết tại địa chỉ căn hộ của chung cư nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự đó.” Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn tham khảo, không phải là văn bản quy phạm pháp luật áp dụng bắt buộc.
Thiết nghĩ, xuất phát từ mục đích của hoạt động niêm yết công khai là nhằm để người được cấp, tống đạt và thông báo biết được nội dung văn bản tố tụng. Khi niêm yết văn bản tố tụng, người được cấp, tống đạt và thông báo có thể tình cờ nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy sẽ thông tin lại nếu biết tung tích của họ. Đối với chung cư, vị trí tại bảng thông tin chung hay sảnh chung cư là nơi có nhiều khả năng văn bản tố tụng niêm yết được nhìn thấy và biết đến nhiều nhất, do đó sẽ có nhiều người nắm bắt được thông tin nhất. Từ đó tăng khả năng thực hiện được mục đích của hoạt động tố tụng niêm yết công khai này.
Như vậy, về nguyên tắc, khi thực hiện niêm yết công khai văn bản tố tụng thì cần xét đến điều kiện áp dụng và thủ tục niêm yết công khai để thực hiện.
Đối với việc xác định điều kiện áp dụng trong trường hợp ‘không liên hệ được’ với đương sự thì cần phải làm rõ có thuộc một trong hai trường hợp sau hay không:
1.Người được cấp, tống đạt, thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới nhưng họ không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới;
2.Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ và có biên bản được lập về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn.
Đối với nội dung “bản tin chung, sảnh chung cư” có thuộc địa điểm được niêm yết hay không trong trường hợp nơi cư trú/nơi cư trú cuối cùng của đương sự là nhà chung cư thì về cơ bản, xuất phát từ mục đích của hoạt động tố tụng niêm yết công khai là phù hợp hoặc theo hướng dẫn của Tòa án nhân tối cao là “thực hiện niêm yết tại địa chỉ căn hộ của chung cư”. Tuy nhiên, để có thể áp dụng thống nhất và đồng bộ về nội dung này thì vẫn cần phải có những quy định hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn từ phía cơ quan lập pháp.