Vụ “Boom” 150 mâm cỗ tại Điện Biên, cô dâu, chú rể phải chịu trách nhiệm gì?

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra một vụ việc hy hữu. Cô dâu, chú rể sau khi đặt 150 mâm cỗ cưới bằng miệng đã “biệt tích”. Phía nhà hàng đã phải lên mạng xã hội nhờ người dân cầu cứu. Theo thông tin từ phía nhà hàng, “Người ta đến tại cửa hàng chúng tôi để đặt cỗ. Chúng tôi chỉ trao đổi miệng không có biên bản, hợp đồng hay tiền đặt cọc. Bình thường chúng tôi cũng không yêu cầu khách đặt cọc vì có ai đi bùng cỗ cưới bao giờ? Vậy, trách nhiệm của cô dâu, chú rể trong trường hợp này là gì?

                                  Hình ảnh mâm cỗ được phía nhà hàng chuẩn bị. Nguồn Internet

Tồn tại một hợp đồng giữa nhà hàng và phía cô dâu chú rể.

Căn cứ Điều 385 BLDS 2015 thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

Theo đó, hợp đồng chính là một giao dịch dân sự mà ở đó có sự thống nhất của hai bên trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận để xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt những nội dung ghi nhận trong hợp đồng, cụ thể là những quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Nội dung của hợp đồng không được trái với đạo đức xã hội, trái pháp luật và không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác

Về hình thức, hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong một số trường hợp, hợp đồng cần phải được chứng nhận, chứng thực, đăng kí hoặc xin phép. Khi pháp luật có quy định hay khi các bên có thoả thuận về hình thức của hợp đồng thì hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức đó. Đối với những hợp đồng được xác lập bằng lời nói thì thời điểm hợp đồng có hiệu lực chính là thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Hợp đồng được giao kết đúng pháp luật có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên đã giao kết. Hợp đồng chỉ có thể được sửa đổi hoặc huỷ bỏ theo sự thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Xét giao kết của cô dâu chú rể và nhà hàng

+ Cô dâu, chú rể là người có đủ năng lực hành vi dân sự, tiến hành đặt mâm cỗ ở nhà hàng trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc hay trái với ý chí chủ quan.

+ Nội dung giao kết: Chú rể và cô dâu đặt 150 mâm cỗ cưới, nội dung không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác

+ Hình thức hợp đồng: Pháp luật không có quy định về hình thức của giao dịch này, các bên có quyền tự do lựa chọn hình thức phù hợp. Trường hợp này, hợp đồng được thể hiện bằng lời nói.

Như vậy, giao kết giữa cô dâu chú rể và nhà hàng thỏa mãn các điều kiện để một hợp đồng có hiệu lực. Do đó, hợp đồng này được pháp luật công nhận và bảo vệ, các bên có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vũ được quy định trong hợp đồng.

Trách nhiệm của cô dâu, chú rể trong vụ việc này.

Mặc dù phía nhà hàng không nói rõ hai bên đã thỏa thuận nội dung cụ thể như thế nào, tuy nhiên thực tế cho thấy, hai bên đã thống nhất về số lượng mâm cỗ, thời gian, địa điểm đặt mâm cỗ thể hiện qua việc phía nhà hàng đã chuẩn bị 150 mâm cỗ, dựng rạp và bàn ghế vào thời gian, địa điểm cụ thể.

Có thể thấy, hợp đồng giữa cô dâu chú rể và nhà hàng là một hợp đồng song vụ. Theo đó, nghĩa vụ cơ bản của bên nhà hàng là chuẩn bị mâm cỗ, dựng rạp; bày trí cho tiệc cưới và bên cô dâu chú rể có nghĩa vụ thanh toán. Do đó, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Phía nhà hàng đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, tuy nhiên phía cô dâu chú rể đã không thực hiện nghĩa vụ của mình do đó đã vi phạm nội dụng của hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự.

Điều 351 BLDS 2015 quy định:” Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.”

Điều 360 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ nêu rõ “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Như vậy, cô dâu chú rể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vị “bom” mâm cỗ cưới của mình. Phía nhà hàng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Ngoài mức bồi thường thiệt hại này, nhà hàng còn có thể yêu cầu cô dâu chú rể trả chi phí phát sinh khác do vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp phía nhà hàng đã nhờ được cộng động mạng giải cứu hết số mâm cỗ trên thì số tiền thu lại được từ việc nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ có thể được coi là căn cứ để giảm mức bồi thường thiệt hại cho bên cô dâu, chú rể. Hai bên có thể thỏa thuận mức bồi thường, thời hạn và phương thức bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định mức bồi thường căn cứ vào nội dung của vụ việc.  

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 



Từ Khóa , ,
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer