Xác định số lợi bất hợp pháp là một việc rất quan trọng để quyết định mức xử phạt hành chính đối với những vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Trước đây, phương thức xác định số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực đất đai được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này đã được thay đổi bởi Nghị định 123/2024/NĐ-CP mới của Chính phủ được ban hành ngày 4/10/2024. Theo đó, phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực đất đai cũng đã có nhiều thay đổi.
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
Như vậy, quy định mới tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2024/NĐ-CP không chỉ làm rõ khái niệm “số lợi bất hợp pháp" mà còn kế thừa và quy định ngắn gọn, cụ thể hơn về cách xác định số lợi bất hợp pháp lĩnh vực đất đai trong từng trường hợp. Theo đó:
1. Trường hợp sử dụng đất sai mục đích quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12 Nghị định này bao gồm:
Điều (8) Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
Điều (9) Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
Điều (10) Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
Điều (11) Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
Điều (12) Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của loại đất sau khi vi phạm so với giá trị quyền sử dụng đất của loại đất trước khi vi phạm và được tính theo công thức:
Trong đó:
G (1,2) = Diện tích đất vi phạm (x) Giá đất theo bảng giá đất;
Diện tích đất và giá đất được xác định tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
Loại đất trước khi vi phạm được xác định theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai; loại đất sau khi vi phạm được xác định theo hiện trạng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
Số năm vi phạm được xác định từ thời điểm sử dụng đất sang mục đích khác đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp hành vi vi phạm do nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện trên một thửa đất thì số lợi bất hợp pháp phải thu được chia đều cho các tổ chức, cá nhân cùng vi phạm.
2. Trường hợp lấn đất hoặc chiếm đất:
Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất lấn hoặc chiếm, được tính theo công thức sau đây:
Trong đó:
- Diện tích đất và giá đất được xác định tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính:
-
Trường hợp diện tích đất vi phạm sau khi lấn hoặc chiếm mà chưa có giá đất trong Bảng giá đất thì lấy giá đất tại thửa đất cùng loại đất sau lấn hoặc chiếm ở vị trí gần nhất với diện tích đất vi phạm để xác định số lợi bất hợp pháp;
-
Trường hợp lấn đất hoặc chiếm đất chưa sử dụng nhưng chưa sử dụng vào các mục đích có trong Bảng giá đất thì cơ quan, người có thẩm quyền xác định số lợi bất hợp pháp trên cơ sở thực tế vụ việc, chứng cứ, các chứng từ, tài liệu (nếu có).
- Loại đất vi phạm là loại đất sau khi lấn đất hoặc chiếm đất được xác định theo hiện trạng của loại đất đang sử dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
- Số năm vi phạm được xác định từ thời điểm lấn đất hoặc chiếm đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Quy định mới này đã xử lý được cả trường hợp đất chưa được UBND cấp tỉnh quy định trong bảng giá đất mà trước đây luật không có cơ sở để tính số lợi bất hợp pháp.
3. Trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện
Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng giá trị chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực tế theo hợp đồng đã ký nhưng không thấp hơn giá trị tính theo giá đất trong Bảng giá đất tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính và được tính theo công thức sau đây:
Trong đó: Số năm vi phạm được tính từ thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
4. Trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không đủ điều kiện:
Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng giá trị cho thuê, cho thuê lại đất thực tế theo hợp đồng đã ký, tính trong thời gian đã cho thuê, cho thuê lại đất, nhưng không thấp hơn giá trị tiền thuê đất tính theo đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính và được tính bằng công thức như sau:
Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm = diện tích đất vi phạm (x) đơn giá cho thuê đất trả tiền hằng năm (x) số năm vi phạm.
Trong đó:
Số năm vi phạm được tính từ thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
5. Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất quy định tại Nghị định này mà đã nộp các khoản tiền vào ngân sách nhà nước từ việc giao dịch đó (nếu có)
Số lợi bất hợp pháp được xác định bằng số lợi tính theo công thức tại mục 3 hoặc 4 nêu trên trừ (-) số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù đã cụ thể hoá và chi tiết các quy định còn thiếu sót trước đây, nhưng Nghị định 123/2024/NĐ-CP vẫn giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định cũ:
Theo đó, UBND cấp xã không có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc trả lại đất đã lấn chiếm, sử dụng sai quy định, vì vậy phải chuyển hồ sơ lên chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý. Quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn dến việc dồn hồ sơ lên cấp trên, việc xử phạt vi phạm hành chính mất nhiều thời gian do phải chuyển hồ sơ dẫn đến chậm trễ trong việc xử lý vi phạm hoặc tiềm ẩn vi phạm vẫn tồn tại và tiếp tục phát sinh thêm nếu không kịp thời xử lý.
Vì vâỵ, thiết nghĩ nhà làm luật nên bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND cấp xã về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo hướng bổ sung thêm thẩm quyền áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định.