Điều 24 Bộ luật hình sự 2015 Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội quy định:
“1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Đây là chế định mới được quy định trong Bộ luật hình sự 2015. Mục đích của chế định này khuyến khích mọi công dân tham gia đấu tranh chống tội phạm, sử dụng những biện pháp cần thiết bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
Để loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, hành vi bắt giữ thuộc về chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ sở phát sinh quyền gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội là có người thực hiện hành vi phạm tội và chủ thể có thẩm quyền bắt giữ. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội ở đây được hiểu là người đang, đã thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: Người đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện hay người phạm tội đang bị truy nã.
Chủ thể có thẩm quyền bắt giữ là những người được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người có thẩm quyền bắt giữ là người tiến hành tố tụng hoặc bất cứ người nào.
Ví dụ: ở trường hợp bắt bị can để tạm giam thì thẩm quyền thuộc về người tiến hành tố tụng; ở trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt.
Thứ hai, hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ là biện pháp cuối cùng, không còn biện pháp nào khác.
Dùng vũ lực không phải là biện pháp duy nhất để bắt người thực hiện hành vi phạm tội, mà tùy vào từng trường hợp cụ thể người có thẩm quyền bắt giữ có thể sử dụng các biện pháp khác như vận động, kêu gọi, khuyên bảo, giáo dục, thuyết phục… Tuy nhiên, có nhiều trường hợp việc bắt người thực hiện hành vi phạm tội không phải dễ dàng, đặc biệt là đối với những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, hung hãn, lưu manh, côn đồ… Những đối tượng này thường rất manh động sẵn sàng hành hung, chống trả để trốn thoát khi bị phát hiện và người có thẩm quyền bắt giữ để khống chế, bắt được những đối tượng này chỉ còn biện pháp duy nhất là sử dụng vũ lực.
Thứ ba, việc sử dụng vũ lực gây ra thiệt hại cho người bị bắt giữ phải cần thiết.
Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người bị bắt giữ. Khi người có thẩm quyền bắt giữ đã lựa chọn dùng vũ lực là cách duy nhất để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội, thì đòi hỏi việc sử dụng vũ lực đó phải ở mức độ cần thiết. Sự cần thiết ở đây chính là người có thẩm quyền bắt giữ sử dụng vũ lực ở mức độ nhất định, vừa đủ để khống chế, bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với người đang thi hành công vụ việc sử dụng vũ lực như thế nào là cần thiết đã được pháp luật quy định cụ thể.
Ví dụ: Trường hợp được nổ súng quân dụng quy định tại Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Tuy nhiên, đối với những người có thẩm quyền bắt giữ khác tham gia vào việc bắt người thực hiện hành vi phạm tội, thì rất khó có thể đánh giá được như thế nào là sử dụng vũ lực cần thiết. Trong trường hợp này, họ phải căn cứ vào các yếu tố như: công cụ, phương tiện người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng; mức độ gây thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; mức độ chống trả của người phạm tội… để đảm bảo việc sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết.
Hiện nay, nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc thì việc Bộ luật hình sự 2015 đã đưa chế định gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự rất kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, để phòng ngừa việc lạm dụng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người thực hiện hành vi phạm tội thì pháp luật đã quy định nếu gây thiệt hại do sử dụng vũ lực “rõ ràng” vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.