Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

1. Căn cứ pháp lý:

Điều 16 Bộ luật hình sự 2015

2. Nội dung:

“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì phải thỏa mãn hai điều kiện:

Thứ nhất, tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành.

Bởi lẽ, ở giai đoạn này, người phạm tội chưa hoàn thành việc thực hiện hành vi phạm tội của mình nhưng đã tự ý nửa chừng chấm dứt ý định phạm tội đã có từ trước đó mặc dù tại thời điểm đó, họ có đủ khả năng để thực hiện tội phạm đến cùng.

Ví dụ: A có mâu thuẫn với B và có ý định giết B nên đã chuẩn bị sẵn dao nhọn nhưng sau khi gặp thì B có xin lỗi nên A bỏ qua, không thực hiện ý định giết B nữa.

Còn ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành người phạm tội đã thực hiện được hết hành vi được cho là cần thiết để gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, việc chủ thể dừng lại không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nữa không có ý nghĩa trong việc ngăn chặn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

Ví dụ: A có ý định giết B, đã đâm B 10 nhát, khi thấy B gục xuống A đã dừng lại không tiếp tục đâm nữa và bỏ đi, B được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết.

Trường hợp tội phạm đã hoàn thành thì người phạm tội đã thực hiện được hết hành vi gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó có đủ các yếu tố thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội, việc chủ thể dừng lại không thực hiện hành vi phạm tội, không làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã thực hiện.

Ví dụ: A dùng súng bắn một phát vào đầu B làm B chết.

Thứ hai, việc chủ thể dừng lại không tiếp tục thực hiện tội phạm là hoàn toàn tự nguyện, dứt khoát.

Tức là, chủ thể hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng để thực hiện hành vi phạm tội đến cùng nhưng đã tự mình từ bỏ ý định phạm tội đó. Sự từ bỏ ý định phạm tội của chủ thể là xuất phát từ ý chí chủ quan của họ (như nghe lời khuyên giải của người thân thích, đồng bọn, nghĩ đến gia đình,….) chứ không phải do yếu tố khách quan chi phối, chủ thể cho rằng tại thời điểm đó, mình hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện tội phạm đến cùng, sự từ bỏ thể hiện sự quyết tâm, dứt khoát chấm dứt ý định phạm tội của chủ thể.

Ví dụ: A phát hiện vợ đang nói chuyện điện thoại với người đàn ông khác trong phòng nên đã lao vào giật điện thoại, bóp cổ vợ với ý định giết vợ nhưng khi nghĩ đến các con thì A dừng lại và bỏ đi.

Như vậy, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì đòi hỏi phải thỏa mãn cả hai điều kiện nêu trên.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó.

Ví dụ: Anh A mua súng ngắn để giết B nhưng sau đó tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng đủ yếu tố cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer