Tôi được biết trong vụ án một số tiếp viên xách tay ma túy giấu trong các tuýp kem đánh răng, dù vụ án được khởi tố và đã tạm giữ những nghi can nhưng sau đó người tạm giữ vẫn có thể được thả tự do. Tại sao nhiều vụ rõ ràng như vậy nhưng vẫn không bắt được tội phạm và nếu cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm thì bao lâu phải thả người?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau: 

Việc khởi tố vụ án được thực hiện khi cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm. Cơ quan chức năng chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau đây: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

Khởi tố vụ án chỉ là hoạt động tố tụng ban đầu để cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh toàn diện vụ án. Nếu xác định được hành vi phạm tội cụ thể của từng người thì sau đó mới khởi tố bị can. Có thể nói, khởi tố bị can chỉ được thực hiện sau khi đã khởi tố vụ án và Cơ quan điều tra có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 2015 quy định là tội phạm.

Vì vậy, dù đã khởi tố vụ án nhưng nếu trong trường hợp không có đủ căn cứ xác định người bị tạm giữ phạm tội thì Cơ quan điều tra không thể khởi tố bị can và phải trả tự do cho người đó. Nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được bị can hoặc không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội  thì phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vụ án.

Việc Cơ quan điều tra thả người khi không chứng minh được tội phạm là thực hiện áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Đồng thời, việc thả bị can cũng đúng với quy định tại khoản 3 Điều 118 BLTTHS 2015: “3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.”

Không chỉ luật hình sự của Việt Nam mà pháp luật hình sự của các quốc gia khác cũng tuân thủ và đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Tức là khi cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội của một người thì buộc phải tuyên bố họ vô tội dù trên thực tế tội phạm đó có xảy ra hay không.

Ví dụ như vụ việc bắt giữ vận chuyển trái phép chất ma túy mà bạn nói, nếu cơ quan điều tra không thể chứng minh được những tiếp viên đó biết rõ bên trong các tuýp kem là ma túy mà vẫn cố tình vận chuyển; hoặc có chứng cứ khách quan chứng minh các tiếp viên hoàn toàn không biết thì sẽ phải trả tự do ngay cho họ dù có thể chưa hết thời gian tạm giữ. 

Ngoài ra, một số tình huống khác thường xảy ra như: Quy trình thu giữ chứng cứ không đúng quy định (dẫn đến kết quả giám định không đảm bảo), hoặc không có chứng cứ nào xác định tội phạm ngoại trừ lời khai của thủ phạm,.... thì CQTHTT cũng buộc phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và trả tự do cho người bị tạm giữ.

Ngoài ra, cũng cần hiểu đúng về tạm giữ bị can, đây là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự và được áp dụng trong những trường hợp sau:

- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

- Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang;

- Người phạm tội tự thú, đầu thú;

- Người bị bắt theo quyết định truy nã.

Thời hạn tạm giữ được quy định cụ thể tại Điều 118 BLTTHS như sau:

“1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.”

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer