Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, được nhà nước quản lý một cách chặt chẽ. Trong đó bao gồm cả việc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh. Vậy, thông quan vụ hành khách nước ngoài giấu 3 kg vàng trong người khi nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, dưới góc độ pháp lý, việc người nước ngoài mang theo vàng khi nhập cảnh vào Việt Nam được quy định như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết đưới đây của Luật Sao Việt để hiểu rõ hơn.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
1. Quy định của pháp luật về việc người nước ngoài mang vàng khi nhập cảnh vào Việt Nam
Căn cứ Thông tư số 11/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vàng khi mang vào Việt Nam (nhập cảnh) được phân loại gồm: vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng trang sức, mỹ nghệ. Cá nhân nước ngoài mang vàng vào Việt Nam khi nhập cảnh được quy định dựa trên phương thức nhập cảnh và bao gồm 03 trường hợp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cá nhân nước ngoài nhập cảnh qua các cửa khẩu bằng hộ chiếu hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp (trừ giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới)
Tại Điều 2 Thông tư số 11/2014/TT-NHNN quy định trong trường hợp này, cá nhân nước ngoài khi nhập cảnh sẽ không được phép mang theo đối với vàng miếng và vàng nguyên liệu. Nếu trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu thì “phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.”
Trong khi đó, đối với vàng trang sức, mỹ nghệ cá nhân nước ngoài được mang theo khi nhập cảnh vào Việt Nam nhưng tổng khối lượng tối đa dưới 300g. Trường hợp “mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.”
Thứ hai, cá nhân nước ngoài nhập cảnh qua các cửa khẩu bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước có chung biên giới cấp.
Tại Điều 3 Thông tư số 11/2014/TT-NHNN quy định cá nhân nước ngoài khi nhập cảnh trong trường hợp này sẽ không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ. Trừ trường hợp được “đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác”. Nếu “tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.”
Thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam
Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 11/2014/TT-NHNN quy định:
“Cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam khi nhập cảnh mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.” Theo đó, trong trường hợp cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam thì có thể mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ mà có tổng khối lượng dưới 300g, khi tổng khối lượng từ 300g trở lên thì phải khai báo với cơ quan Hải quan.
Như vậy, hành vi giấu trong người số lượng 3 kg vàng khi nhập cảnh vào Việt Nam trên của hành khách người nước ngoài đã vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam. Do đó, cần phải tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để làm rõ hành vi vi phạm cụ thể và xử lý theo quy định.
2. Người nước ngoài khi vi phạm pháp luật ở Việt Nam có bị xử lý không?
Thông qua vụ việc này, sẽ có những thắc mắc về việc người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam thì có bị xử lý hay không. Căn cứ tại Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
“1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Theo đó, Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ giải quyết theo tập quán quốc tế hoặc giải quyết bằng con đường ngoại giao. Do đó, ngoại trừ những đối tượng này, người nước ngoài sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.