Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia. Vậy pháp luật hình sự của Việt Nam hiện nay quy định như thế nào về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân?
1. Quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tại Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”
Như vậy, người được coi là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân phải đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
a) Về mặt khách quan:
Hành vi của cháu bạn thỏa mãn mặt khách quan của tội “Hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thể hiện thông qua việc đăng ký vào danh sách tham gia tổ chức “Liên minh quốc nội”.
Đây là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi để thành lập, tổ chức nhằm lập đổ chính quyền nhân dân không phụ thuộc vào việc tổ chức đã hình thành hay chưa hoặc từ khi nhận lời, đăng ký tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.
Vì vậy, mặc dù cháu bạn không tuyên truyền, lôi kéo, vận động bất cứ ai vào tổ chức, cũng chưa từng tham gia bất cứ hoạt động nào của tổ chức này và hiện nay cũng đã cắt đứt liên lạc hoàn toàn nhưng việc cháu đã đăng ký tham gia vào tổ chức thì tội phạm vẫn được coi là đã hoàn thành.
b) Về mặt khách thể:
Hành vi phạm tội phải nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Chính quyền là bộ máy điều hành, quản lý công việc của nhà nước. Một đất nước muốn phát triển ổn định, cần một chính quyền vững mạnh. Do đó hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi xâm phạm sự tồn tại của chính quyền nhân dân, xâm phạm đến Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khách thể của tội phạm này là sự ổn định, vững mạnh của chính quyền nhân dân.
c) Về mặt chủ quan:
Đối với tội này, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp này, cháu bạn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Như thông tin bạn cung cấp, trên trang web của tổ chức có đăng công khai cương lĩnh, điều lệ với nội dung có mục tiêu là nhằm thay đổi thể chế chính trị, lật đổ chính quyền, vì vậy khi tham gia, cháu bạn biết và phải biết, nhận thức rõ mục đích của tổ chức là chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân.
d) Về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kì người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi) và đạt độ tuổi theo luật định.
Theo Điều 12 BLHS 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Như vậy độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này là từ đủ 16 tuổi trở lên.
2. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trường hợp 1: Người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên.
Trường hợp này chủ thể thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn điều kiện về mặt chủ thể của tội “Hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này nếu thỏa mãn đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đã nêu ở trên.
Trường hợp 2: Người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLHS 2015, người đồng phạm tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Đối chiếu với quy định Điều 9 BLHS 2015 về phân loại tội phạm thì đây là tội phạm rất nghiêm trọng.
Căn cứ Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 47 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng như sau:
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.”
Như vậy, nếu người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Trường hợp 3: Người phạm tội từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi
Căn cứ Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 46 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:
“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.”
Như vậy, nếu người phạm tội từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi phạm tội thì sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trường hợp 4: Người phạm tội dưới 12 tuổi
Trường hợp này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng không bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nào.
======================================================================================================
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com