Tình trạng cho vay thì dễ, lúc đòi thì khó không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta. Ngay cả khi khởi kiện ra Toà và thắng kiện, người cho vay cũng chưa chắc có thể lấy lại tài sản, khi việc thi hành án phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hợp tác của con nợ. Đặc biệt với những đối tượng chây ì, mặc dù có tài sản nhưng nhất định không trả, người cho vay đôi khi cũng phải bó tay. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” là một trong những yếu tố xác định Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cần xác định hành vi này cụ thể như thế nào để có thể truy cứu TNHS người vay không trả?
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
1. Quy định của Bộ luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Đối với tội danh này, người phạm tội chiếm hữu tài sản của người bị hại một cách hợp pháp thông qua các hình thức vay mượn, thuê tài sản của người bị hại hoặc nhận tài sản của người bị hại dưới các hình thức hợp đồng.
Sau khi có được tài sản của người bị hại thông qua một trong các hình thức trên, người phạm tội nảy sinh ý định chiếm đoạt, không thực hiện những gì đã cam kết với người bị hại mà dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Xác định hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Mặc dù luật đã có quy định về hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản, mặc dù có điều kiện và khả năng nhưng cố tình không trả” nhưng trên thực tế, việc chứng minh người vay có điều kiện và khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả là điều không dễ dàng. Khi chủ nợ nộp đơn tố giác tội phạm đối với tội này cũng thường không cung cấp được đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của người vay vì vậy thường bị cơ quan tố tụng ra thông báo trả lại đơn và hướng dẫn chủ nợ khởi kiện vụ án dân sự để đòi tiền do chưa đầy đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc trả lại đơn như vậy vô hình chung đẩy người cho vay vào thế phải tự chứng minh tội phạm, trong khi đó vốn là trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Đối với người dân bình thường, việc phải tự mình thu thập thông tin của con nợ về tài sản đứng tên, nhà đất, mức thu nhập,... đều cực kỳ khó khăn và nếu có thông tin thì thông tin đó cũng không thể coi là chứng cứ hợp pháp.
Ngòai ra, hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể các căn cứ, cơ sở xác định dấu hiệu thế nào là "có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả". Vì vậy, đương sự và chính cơ quan tiến hành tố tụng cũng mông lung trong việc xác định dấu hiệu tội phạm đối với các vụ vay tiền chây ì không trả.
Hiện nay, người dân chỉ có thể căn cứ vào hướng dẫn tại Thông báo số 64/TANDTC-PC của Toà án nhân dân tối cao và Công văn số 4962/VKSTC-V14 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để phần nào tự xác định tình tiết "có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".
Theo đó, tại mục 6, phần I Thông báo số 64/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân tối cao có giải đáp như sau:
"Trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…) thì bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015".
Bên cạnh đó, Công văn số 4962/VKSTC-V14 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023 cũng nêu:
“Trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền, người bán hộ tài sản sau khi bán được, hưởng hoa hồng theo thỏa thuận và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán, người này nêu lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) thì có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 để xử lý hay không?
Trả lời: Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015, thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện: (1) đến thời hạn trả lại tiền; (2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015”.
Như vậy, để xem xét hành vi của một người có thuộc trường hợp có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không thì bắt buộc các cơ quan tố tụng cần phải điều tra, làm rõ 2 yếu tố:
1. Có điều kiện, có khả năng trả nợ: Có nhà, đất đai, tài sản khác
2. Cố tình không trả: chây ì, tẩu tán tài sản hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…
Đồng thời cơ quan điều tra vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả để làm căn cứ xử lý hình sự.
Mặc dù đã có 2 văn bản này hướng dẫn nhưng về cơ bản đây không được xem là văn bản quy phạm pháp luật nên không có tính bắt buộc chung, và cũng không được sử dụng như một căn cứ pháp lý để áp dụng, đây chỉ được coi là nguồn tham khảo.
Chính vì vậy, trong thời gian tới rất cần các cơ quan ban ngành cùng thống nhất để đưa ra văn bản hướng dẫn đối với hành vi này, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ giúp cơ quan tiến hành tố tụng và người dân có căn cứ áp dụng thống nhất trên cả nước.
Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
===================================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com