Tội bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát.

Cơ sở pháp lý: Điều 130 BLHS 2015 sd, bs 2017

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

Khách thể của tội phạm: Tội phạm trực tiếp xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, đồng thời gián tiếp xâm phạm quyền sống của người đó.

Khách quan của tội phạm:  Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục nạn nhân.

+ Đối xử tàn ác với nạn nhân: Người phạm tội có hành vi đối xử một cách độc ác, tàn bạo, có hành động gây đau khổ cho nạn nhân như: đánh đập, bỏ đói, bỏ rét, gây đau đớn về thể xác… đó là những hành vi trái pháp luật, gây nên sự căm phẫn trong xã hội, bị xã hội lên án, nhưng chưa đến mức gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người lệ thuộc. Tuy nhiên, hành vi của người phạm tội mà gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích cho nạn nhân thì sẽ phải truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật tương ứng như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

+ Hành vi thường xuyên ức hiếp, ngược đãi:  Là hành vi đối xử tàn nhẫn, trái với lương tâm, đạo đức. Đạo đức và lẽ phải là những quy tắc xử sự trong xã hội và gia đình… Hành vi đối xử đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần gây ra sự uất ức, bế tắc cho người bị lệ thuộc. Hành vi đó đã dồn họ vào chân tường và dẫn đến việc họ tự sát.

+ Hành vi làm nhục: Là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người lệ thuộc mình như chửi bới, lăng mạ, xỉ nhục… gây tổn thương nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người đó.

Hậu quả của tội bức tử là hành vi tự sát của nạn nhân. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người lệ thuộc vào người phạm tội có hành vi tự sát, không phụ thuộc vào việc người tự sát có chết hay không. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội bức tử là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc vào người phạm tội với hậu quả xử sự tự sát của nạn nhân.

Chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 1), hoặc từ 14 tuổi trở lên (khoản 2) có năng lực TNHS.

Chủ thể của tội phạm này phải là người có mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân và người phạm tội là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không. Người bị lệ thuộc phải là người dựa vào người khác trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần như: lệ thuộc về kinh tế; bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò hoặc quan hệ tôn giáo…

Chủ quan của tội phạm:

+ Lỗi cố ý gián tiếp là trường hơp chủ thể nhận thức được hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm mà họ thực hiện có thể làm nạn nhân uất ức mà tự sát nhưng chủ thể chấp nhận hậu quả đó.

+ Lỗi vô ý là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi khách quan nói trên nhưng không nghĩ rằng hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nạn nhân tự sát.

Hình phạt:

Khung 1 (khoản 1) Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan, không có tình tiết định khung hình phạt.

Khung 2 (khoản 2) quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, áp dụng đối với trường hợp bức tử từ 02 người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. Đây là điểm bổ sung của Bộ luật hình sự năm 2015 so với quy định tại Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1999.

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm.Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.

Trân trọng

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer